Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc qua hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống

|

“Bản sắc văn hoá dân tộc là sự tổng hoà những tinh hoa văn hoá, những bản chất, sắc thái đặc trưng nhất của một dân tộc để tạo nên những dấu ấn riêng của dân tộc đó để phân biệt với các dân tộc khác”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cần phải chú ý đến và phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Theo Người, ngoài chính trị, kinh tế, xã hội thì văn hoá bao gồm toàn bộ khía cạnh của cuộc sống, nó mang đến những giá trị tinh thần nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích con người. Suốt chặng đường lãnh đạo đất nước, bên cạnh những chủ trương, đường lối xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế xã hội, Đảng ta luôn quan tâm, đề cao vai trò, vị trí của văn hoá trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, điều đó được thể hiện liên tục và nhất quán trong văn kiện của các kỳ đại hội Đảng: “nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trong bối cảnh ngày nay, khi quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đang ngày càng sâu rộng đã tác động mạnh mẽ tới xã hội và con người, làm chuyển đổi sâu sắc các giá trị, chuẩn mực văn hoá và lối sống, cũng như nền văn hoá dân tộc đang chuyển biến với tốc độ nhanh chóng dưới nhiều biểu hiện khác nhau như là thời cơ, cũng như là thách thức. Bên cạnh các giá trị tích cực nhằm thúc đẩy và lan toả bản sắc văn hoá dân tộc, đưa con người đạt đến giá trị “chân – thiện – mỹ”, phù hợp với “thuần phong mỹ tục” dân tộc Việt Nam. Thì cũng xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện “phản giá trị” đi ngược lại với “thuần phong mỹ tục” của dân tộc, phá vỡ nhiều hình thức và nội dung của xã hội Việt Nam truyền thống, dễ dàng dẫn đến những nguy cơ tha hoá, về lâu dài có thể dẫn đến sự bào mòn các nền tảng, truyền thống, giá trị bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, xoá nhoà các phẩm chất cao đẹp trong thế hệ trẻ sau này, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Trong những năm gần đây xuất hiện không ít tình trạng suy giảm các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các giá trị văn hoá truyền thống bị đảo lộn dẫn đến sự xói mòn về niềm tin, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Để gìn giữ và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực để xây dựng và phát triển đất nước nhưng không để bản sắc văn hoá dân tộc bị mai một với phương châm “hoà nhập không hoà tan” là trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi cá nhân và toàn thể nhân dân. Qua hàng ngàn năm lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được gìn giữ tốt đẹp chính là nhờ vào tinh thần đoàn kết, sự gắn bó chặt chẽ và sự gìn giữ của mỗi người dân Việt Nam, mỗi người cần phát huy vai trò của mình trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam với hình ảnh “người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống”, bởi gắn với lịch sử phát triển bản sắc văn hoá của dân tộc, trang phục là yếu tố quan trọng trong việc tạo nên bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình.

Dân tộc Việt Nam dù đã trải qua hàng ngàn năm văn hiến, từng bị đặt dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Hoa, đứng trước các âm mưu đồng hoá nhưng nhân dân ta vẫn giữ được những nét riêng độc đáo trong trang phục, cũng như bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Nhìn lại từng giai đoạn phát triển lịch sử nước ta, từ thời Hùng Vương cho đến thời nhà Nguyễn, từ chiếc yếm đào, áo tứ thân cho đến áo dài, trang phục trong từng giai đoạn đều mang một nét riêng biệt. Trải qua nhiều biến động, áo dài qua nhiều lần biến đổi và dần trở thành trang phục truyền thống của người Việt, có cội nguồn từ xa xưa, hình ảnh áo dài đã đi cùng những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc như hình ảnh nữ anh hùng Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi giương lọng. Dù trải qua biết bao giai đoạn, bao thăng trầm của chiều dài lịch sử, áo dài luôn là sự tự hào của dân tộc, vẫn luôn giữ nguyên giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần trong xã hội Việt Nam. Là hiện thân, là linh hồn của dân tộc Việt Nam, áo dài tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng, đoan trang, mực thước, một vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Việt Nam với đức tính hi sinh, chịu thương chịu khó, giản dị trong lối sống và đâu đó còn là sự ẩn chứa lời dạy về “đạo làm người”. Áo dài không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam. Người phụ nữ mặc trên mình chiếc áo dài không còn đơn thuần là để tôn lên vẻ đẹp của riêng mình mà còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, đại diện cho hình ảnh, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam và hơn hết là đang gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, chiếc áo dài truyền thống tất yếu sẽ có những biến đổi, sáng tạo để phù hợp với thời đại. Nhưng để sáng tạo, đổi mới mà vẫn giữ được nét đẹp, giá trị cốt lõi của áo dài truyền thống là vấn đề rất khó và đầy thách thức, đặc biệt trong tâm lý giới trẻ ngày nay, cùng với sự sáng tạo, sự phá cách, yêu thích cái mới lạ khi đi quá giới hạn là sự ra đời của hàng loạt sự “phản giá trị” trong tà áo dài truyền thống. Không ngăn cản sự sáng tạo, nhưng sáng tạo phải đồng thời là làm mới, là tô thêm màu sắc và cũng phải giữ được giá trị cốt lõi của áo dài truyền thống là vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo, thanh lịch tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, là biểu tượng văn hoá của đất nước.

 Chính vì vậy, phụ nữ Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát huy hình ảnh chiếc áo dài truyền thống của dân tộc, tôn vinh giá trị, vẻ đẹp bên trong chiếc áo dài, đưa chiếc áo dài truyền thống lan toả đến bạn bè quốc tế. Tiếp thu, học hỏi giá trị tinh hoa văn hoá của nhân loại mà không làm biến đổi giá trị vốn có ban đầu của chiếc áo dài truyền thống nói riêng và những giá trị bản sắc Việt Nam nói chung, gìn giữ bản sắc dân tộc Việt Nam mãi trường tồn, vững bền trên con đường hội nhập với thế giới, thúc đẩy một nền văn hoá phát triển đa dạng bản sắc văn hoá dân tộc mà vẫn đảm bảo giữ được bản sắc văn hoá riêng của dân tộc Việt Nam.