DẤU ẤN NHIỆM KỲ: Vạn Ninh - Hiệu quả từ các mô hình tổ hợp tác sản xuất kinh tế của phụ nữ

|
Những năm gần đây, Vạn Ninh được xem là địa phương có nhiều nổi bật trong việc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Với xuất phát điểm là những mô hình, những tổ hợp tác, Hội đã góp phần tạo việc làm, giải quyết phần nào gánh nặng cuộc sống của các chị em phụ nữ.

Hiện nay, Hội LHPN huyện Vạn Ninh vẫn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 04 tổ hợp tác: Tổ hợp tác gia công, mua bán trầm hương, Tổ hợp tác bánh tráng kẹo dừa xã Vạn Long, Tổ hợp tác trồng bông cúc xã Vạn Bình, Tổ hợp tác Chả ram tôm đất Cô Tư. Mặc dù được hình thành với quy mô nhỏ, nhưng nhờ phương thức tổ chức điều hành quản lý gọn nhẹ, linh hoạt nên đa phần các Tổ hợp tác đều làm ăn hiệu quả và có lãi.

Nổi bật trong số đó có Tổ hợp tác Chả ram tôm đất Cô Tư của chị Nguyễn Thị Thanh Định, thôn Tân Dân 1, xã Vạn Thắng. Được đánh giá là sản phẩm ngon, sạch, mang đặc trưng của địa phương. Mỗi tháng chị lãi hơn 10 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 10 lao động nữ ở địa phương với mức thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn tại địa phương và thành phố Nha Trang.

TỔ HỢP TÁC CHẢ RAM TÔM ĐẤT.jpg (76 KB)

Chị Nguyễn Hồng Khánh Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vạn Ninh cho rằng: “Hoạt động của các Tổ hợp tác có hiệu quả là nhờ loại hình kinh tế này có ưu thế rõ rệt, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề, sử dụng các nguồn lực hiện có tại địa phương. Các Tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở tự nguyện, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Họ luôn cầu tiến, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi kiến thức để ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Vì hoạt động của Tổ hợp tác có hiệu quả, phù hợp với tình hình kinh tế địa phương nên thu hút được nhiều người tham gia.

TỔ HỢP TÁC SẢN XUÂT KẸO DỪA.jpg (254 KB)

Có thể nói, hoạt động hiệu quả của tổ hợp tác có đóng góp nhất định vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện nhà, nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Cơ chế quản lý lỏng lẻo, gặp khó khăn trong giao dịch tín dụng để đầu tư phát triển ở quy mô lớn. Vậy nên, tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho Tổ hợp tác phát triển cũng như phát triển mô hình hợp tác xã đang là vấn đề thách thức và mục tiêu và Hội LHPN huyện Vạn Ninh hướng đến trong thời gian tới.

BẢO TRÂM