Khi phụ nữ làm... bà chủ homestay

|

Nhận thấy địa phương có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế du lịch, một số hội viên phụ nữ ở xã Cam Lập, TP. Cam Ranh đã mạnh dạn đầu tư để kinh doanh homestay (hình thức lưu trú nhà dân), đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

image001.jpg (399 KB)

Homestay của gia đình chị Tuyết nằm ở vị trí gần biển, cảnh đẹp nên du khách rất thích

Theo lời giới thiệu của Hội Phụ nữ xã Cam Lập, chúng tôi tìm đến homestay Anh Tư của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1986) ở thôn Bình Lập. Trên khu đất rộng khoảng 6.000m2, homestay Anh Tư nằm yên bình bên những hàng dừa xanh tươi và bờ biển đẹp nên thơ. Chị Tuyết cho biết, trước kia gia đình chị nuôi tôm hùm lồng nhưng thu nhập cũng bấp bênh nên quyết định tìm hướng đi mới. Năm 2015, gia đình chị mở quán để phục vụ du khách ăn uống, cắm trại. Thấy nhu cầu của du khách ngày càng nhiều, năm 2020, chị Tuyết cùng em trai đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh homestay. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, từ 1 căn homestay ban đầu, gia đình chị Tuyết mở rộng dần ra 6 căn. Mỗi căn phòng được đầu tư xây dựng từ 80 đến 300 triệu đồng, tạo nhiều sự lựa chọn dành cho du khách như phòng đơn, phòng đôi, phòng 3 giường; giá thuê từ 350.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/phòng; phục vụ tối đa 22 khách/lần. 

image003.jpg (871 KB)

Căn phòng đơn tại homestay của gia đình chị Tuyết.

image005.jpg (521 KB)

Từ khi làm homestay, kinh tế gia đình chị Tuyết ổn định hơn trước.

 Đến đây, du khách có thể ngắm mặt trời mọc, đắm mình trong dòng nước xanh mát của biển và thưởng thức những món ăn tại chỗ. Ngoài ra, gia đình chị Tuyết còn phục vụ khách các dịch vụ như: Lặn ngắm san hô, chèo SUP, đặt tiệc… để có thêm thu nhập. Mỗi tháng, homestay đón khoảng 200 lượt khách, trong đó có 20 - 30 lượt khách lưu trú. Khách đến homestay nhiều nhất vào các dịp lễ, Tết và mùa hè. Doanh thu trung bình mỗi tháng từ 20 đến 30 triệu đồng, những tháng cao điểm có lúc đạt 70 đến 80 triệu đồng. Chị Tuyết chia sẻ: “Từ khi kinh doanh homestay, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn trước. Ngoài nhân công trong nhà, homestay còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Những khi đông khách, gia đình còn thuê thêm lao động thời vụ”. Gia đình chị Tuyết còn trồng các loại rau, củ, quả để có thực phẩm sạch phục vụ các món ăn cho du khách và giúp họ cảm nhận được không khí yên bình của làng quê.

image007.jpg (750 KB)

Gia đình chị Tình đầu tư xây dựng các căn phòng của homestay trên diện tích khoảng 1.000m2.

Trong khi đó, homestay Hương Trầm của gia đình chị Trương Thị Tình (sinh năm 1989) ở thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập lại chủ yếu phục vụ khách lưu trú. Homestay của gia đình chị mới mở hơn 1 năm. Trước đây, chị Tình đi làm xa nhà khoảng 20 cây số, mỗi ngày đi về 4 lượt nên vợ chồng chị bàn tính kế hoạch làm homestay để phát triển kinh tế, vừa có thời gian chăm sóc con cái. Trên mảnh đất khoảng 1.000m2, gia đình chị đầu tư làm 6 căn phòng đơn và phòng đôi với diện tích từ 20 đến 24m2/phòng, kinh phí đầu tư khoảng 80 triệu đồng/phòng, có đủ các vật dụng cần thiết để phục vụ du khách. Gia đình chị còn trồng cây xanh tạo cảnh quan, không gian đẹp, mát mẻ để khách thoải mái khi lưu trú tại đây. Homestay cho thuê với giá 250.000 đồng/phòng và có ưu đãi, giảm giá trong từng thời điểm để hút khách. Theo chị Tình, thời gian đón khách nhiều trong năm là mùa hè, các ngày lễ, Tết hoặc cuối tuần. Mặt khác, chị xây dựng homestay để phục vụ các dự án sẽ triển khai tại địa phương trong thời gian tới.

image009.jpg (721 KB)

Gia đình chị Tình còn trồng cây xanh tạo cảnh quan, không gian đẹp cho homestay.

 Nhờ giới thiệu trên các trang mạng xã hội, kênh đặt phòng online mà các homestay được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Ông Đản Nguyễn - người Canada gốc Việt, lưu trú tại homestay Anh Tư chia sẻ: “Trong một lần đặt phòng online, nhìn hình ảnh giới thiệu tôi thấy cảnh vật ở đây đẹp nên đặt phòng trong 2 tuần. Khi đến homestay thấy phòng sạch sẽ, cảnh biển và vịnh đẹp, còn gia đình chủ nhà rất dễ thương, thân thiện nên tôi quyết định ở lại đây trong 2 tháng trước khi về nước”.

Chị Nguyễn Thị Hằng Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Lập cho biết: “Tuy còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng nhờ kinh doanh homestay đã giúp hội viên phụ nữ của xã có thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Với vai trò của mình, Hội Phụ nữ xã luôn tạo điều kiện và giúp đỡ các hội viên vay vốn phát triển kinh doanh. Đồng thời, cũng giới thiệu nhiều khách, đoàn khách đến các homestay để sử dụng dịch vụ, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ”.

HÒA TRANG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/doi-song/202402/khi-phu-nu-lam-ba-chu-homestay-3130c62/