Thành lập và ra mắt mô hình “Địa chỉ an toàn” và câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các cơ sở Hội

|
1. Cam Lâm: Thành lập và ra mắt mô hình “Địa chỉ an toàn” tại xã Suối Cát và câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại xã Sơn Tân.

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Hội LHPN huyện Cam Lâm tổ chức 02 buổi ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của dự thay đổi” tại thôn Suối Lau 3, xã Suối Cát và mô hình “Địa chỉ an toàn” xã Sơn Tân với sự tham gia của 150 đại biểu là học sinh, hội viên, phụ nữ huyện Cam Lâm.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 30 thành viên tại thôn Suối Lau 3 - xã Suối Cát, huyện Cam Lâm được thành lập với mục đích là trang bị cho trẻ em, thanh thiếu niên những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em qua đó tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc  ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề về sức khoẻ sinh sản và kết hôn trẻ em; trẻ em và thanh thiếu niên được tạo điều kiện để trải nghiệm và phát huy các sở trường của mình và tham gia các hoạt động của câu lạc bộ tại trường học, tại thôn và tại xã; tạo dựng được mạng lưới có sự hỗ trợ để các bạn trẻ tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng an toàn và không bạo lực giới.

Ra mắt CLB Cam Lâm.jpg (927 KB)

Ra mắt CLB thủ lĩnh của sự thay đổi

Mô hình “Địa chỉ an toàn” tại xã Sơn Tân là cơ sở cung cấp chỗ ở tạm lánh và bảo vệ hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ những nạn nhân bị bạo lực gia đình trong trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi về sức khỏe, tâm lý và hòa nhập cuộc sống. Trao quyền cho các thành viên để trở thành tình nguyện viên trong cộng đồng, tham gia và tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương; đồng thời phá vỡ sự im lặng và sẵn sàng lên tiếng về tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình.

Ra mắt mô hình Cam lâm.jpg (259 KB)

Ra mắt Địa chỉ an toàn

Thông qua hoạt động của mô hình “Địa chỉ an toàn” và Câu Lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”  góp phần hỗ trợ chính quyền, các ban, ngành địa phương, nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giúp trẻ tự bảo vệ mình; huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

2. Diên Khánh: Thành lập và ra mắt mô hình “Địa chỉ an toàn” tại xã Suối Tiên và câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại xã Diên Tân. 

Hội LHPN huyện Diên Khánh vừa tổ chức ra mắt mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” gồm 50 thành viên là những em học sinh tiêu biểu, học sinh dân tộc thiểu số của Trường Tiểu học và THCS Diên Tân. Các thành viên câu lạc bộ sẽ là những hạt nhân nòng cốt, tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, thói quen, tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực thực hiện các nội dung của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Thông qua hoạt động của mô hình sẽ hỗ trợ chính quyền và các ban, ngành địa phương, nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ; trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp trẻ tự bảo vệ mình và thúc đẩy sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ tại địa phương. Ngay sau lễ ra mắt, các thành viên trong mô hình được tập huấn kỹ năng làm việc theo nhóm do Báo cáo viên Trường Đại học Khánh Hoà truyền đạt.

Ra mắt CLB Diên Khánh.png (130 KB)

Ra mắt mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”

 Mô hình "địa chỉ an toàn" được thành lập  gồm 36 thành viên gồm thôn trưởng, người có uy tín, các thành viên Ban mặt trận thôn, chi hội trưởng các đoàn thể trong thôn với mục đích hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn và là nơi tạm lánh, cách ly cho nạn nhân bị bạo lực gia đình trên địa bàn. Sau đó, địa chỉ sẽ hỗ trợ họ trở về gia đình sau thời gian tạm lánh khi bảo đảm đủ an toàn; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập, giúp bạo lực không tái diễn.Nội dung hoạt động của mô hình là tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; bảo đảm an toàn, bí mật cho nạn nhân và người báo tin. Trong đó, hội LHPN xã Suối Tiên chịu trách nhiệm chính trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trở thành địa chỉ an toàn.

Ra mắt Mô hình Diên Khánh.jpg (41 KB)

Trao quyết định thành lập mô hình Địa chỉ an toàn

3. Khánh Vĩnh: Ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các thôn, tổ đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

 Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Khánh Vĩnh chỉ đạo tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 13 thôn thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện Dự án 8. Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một mô hình của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. CLB được thành lập với sự tham gia của 20 - 25 học sinh và 02 dẫn trình viên là đại diện nhà trường, các ngành liên quan trên địa bàn xã như Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, cán bộ phụ trách công tác trẻ em.

Mô hình này là một sân chơi, một diễn đàn thực sự bổ ích dành cho trẻ em trên địa bàn huyện có thêm nơi sinh hoạt giao lưu tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp ngoài các buổi học chính khóa tại trường. Trong đó, tập trung chia sẻ thông tin kiến thức bổ sung về tâm lý lứa tuổi, giới tính, giới, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng.

Ra mắt CLB Khánh Vĩnh.jpg (47 KB)

Ra mắt CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại xã Cầu Bà

Hoạt động của mô hình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chính quyền cùng các ban, ngành địa phương, Nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi trong cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống; dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

 Thanh Bình, Hương Bình, Nhật Linh