5 quyền lợi mới khi đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế

|

Từ 01/12/2018 tới đây, người bệnh BHYT sẽ có thêm nhiều quyền lợi mới như: được thanh toán BHYT nếu nơi điều trị gửi mẫu xét nghiệm đến nơi khác; đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn vẫn được thanh toán kéo dài thêm 15 ngày…

Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định mới tại  Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/10/2018 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì trong một số trường hợp, người bệnh đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT sẽ có 5 quyền lợi mới.

5-quyen-loi-moi-khi-di-kham-benh-bang-the-bao-hiem-y-te.jpg (93 KB)
Từ 01/12/2018 người dân đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT được bổ sung thêm nhiều quyền lợi mới

Thứ nhất, trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã được hưởng quyền lợi theo quy định. Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, đi lại khó khăn được đi khám, chữa bệnh tại nơi gần chỗ cư trú, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

Thứ hai là Nghị định 146 đã bổ sung thêm quy định về việc quỹ BHYT sẽ thanh toán trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Điều này có nghĩa, bệnh nhân có thể được cơ sở khám chữa bệnh đang điều trị gửi mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân tới nơi khác mà vẫn được thanh toán BHYT, sau đó có thể quay lại điều trị. “Ví dụ Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ không làm công tác điều trị nhưng nơi này lại trang bị được các máy xét nghiệm. Do đó, khi bệnh viện gửi mẫu bệnh phẩm, gửi máu đến đây xét nghiệm đều sẽ được BHYT thanh toán” - ông Toàn giải thích.

Điểm mới thứ ba là người bệnh BHYT đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn vẫn sẽ được thanh toán kéo dài thêm 15 ngày. Cụ thể, ở Nghị định 146/NĐ-CP, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện, nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ khi thẻ hết hạn. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.

Điểm mới thứ tư: với trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh khác thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo như đi trái tuyến, trừ các trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh.

Điểm mới thứ năm mà người bệnh BHYT được hưởng đó là: Điều chỉnh mức quyền lợi khi đi khám chữa bệnh (KCB) tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc KCB không đúng thủ tục thì người bệnh vẫn được thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến KCB, thay vì quy định số tiền cụ thể như hiện nay.

Nghị định 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018, thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT./.

Theo Dangcongsan.vn