Nữ đại biểu quốc hội cần phát huy vai trò đại diện trong giải quyết vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron cho biết thông qua trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đi đến nhận thức chung về các vấn đề phải đối mặt trong bối cảnh Covid-19, những tác động tiêu cực đến phụ nữ. Hội nghị đưa ra các cảnh bảo và đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề một cách căn bản, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ, của đại biểu quốc hội nữ.
Bà Barron cho rằng, Quốc hội các nước cùng nhau kề vai sát cánh, thúc đẩy sự hợp tác sẽ phát huy sức mạnh, vai trò hơn nữa trong giải quyết các vấn đề khủng hoảng. Bà khẳng định hội nghị có ý nghĩa quyết định trong việc dẫn dắt của quốc hội là trong xây dựng và thực hiện chính sách để bảo đảm bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Tại hội nghị còn diễn ra phiên thảo luận chuyên đề 3 "Chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ trong quốc hội và trong mọi hoạt động xã hội". Các đại biểu đều cho rằng, đe dọa, cưỡng bức, tước quyền tự do, quấy rối và lạm dụng tâm lý, tình dục hoặc thể chất ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới ở cả lĩnh vực công và tư. Thống kê trên toàn thế giới cho thấy cứ 3 phụ nữ trên toàn thế giới thì có 1 người từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục.
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh tham dự Hội nghị trực tuyến điểm cầu tại Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn
Ngày nay, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra trong bối cảnh rộng hơn là phân biệt đối xử trên cơ sở giới và quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa nam và nữ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cùng với xung đột vũ trang, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tình trạng mất an ninh, di dời dân cư khiến phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực và lạm dụng trên cơ sở giới nhiều hơn.
Hơn nữa, không có nơi làm việc hoặc môi trường nào tránh khỏi bạo lực và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và quốc hội cũng không ngoại lệ. Theo nghiên cứu của IPU, được công bố năm 2016 và 2018, phân biệt giới tính, quấy rối và bạo lực đối với phụ nữ trong các nghị viện đang rất phổ biến, tồn tại ở các mức độ khác nhau ở mọi khu vực trên thế giới. Điều này là trở ngại lớn đối với sự đóng góp đầy đủ của phụ nữ vào các hoạt động chính trị, hạn chế quyền của phụ nữ cũng như đóng góp của phụ nữ vào phát triển kinh tế - xã hội.
Là cơ quan lập pháp, quốc hội cần công khai và giải quyết hợp lý vấn đề này mặc dù đây là vấn đề tế nhị và nhiều người thường che dấu và bỏ qua hơn là tố cáo và công khai nó. Để hỗ trợ quốc hội các nước phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả đối với vấn đề này, IPU đã đưa ra Hướng dẫn xóa bỏ phân biệt giới tính, quấy rối và bạo lực đối với phụ nữ trong quốc hội.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng để cải thiện thực trạng này một cách hiệu quả đòi hỏi một khuôn khổ thể chế mạnh mẽ và các cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia cần có đủ năng lực, nguồn lực và tính hợp pháp để hành động. Điều này đòi hỏi quốc hội và các đại biểu quốc hội phải tăng cường quyền giám sát của mình để đảm bảo rằng các luật và chính sách nhằm loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được thực hiện một cách hiệu quả.
Theo: http://hoilhpn.org.vn (Nguồn: IPU, quochoi.vn/PNVN)
- [10/01/2025] Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- [08/01/2025] Bẫy lừa trên không gian mạng - Bài cuối: Phụ nữ làm gì để phòng tránh?
- [08/01/2025] Bẫy lừa trên không gian mạng - Bài 1: Vì sao nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân?
- [30/12/2024] Nghị định 168/2024/NĐ-CP: Đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền
- [23/08/2022] Trường hợp mẹ kế được thừa kế tài sản của con chồng
- [30/07/2020] Đi xe đúng Luật có bị CSGT dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn?
- [30/07/2020] Con nuôi có được hưởng thừa kế không?
- [15/06/2020] Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
- [07/04/2020] Người nuôi con sau khi ly hôn có được chia nhiều tài sản hơn không?
- [31/03/2020] Cách ly toàn xã hội: Những trường hợp nào được ra ngoài