Quyền nuôi con khi con đủ 4 tuổi sau ly hôn thuộc về ai?

|

Câu hỏi

Hiện nay tôi đang trong tình trạng hoang mang và phân vân không biết mình có nên ly hôn không. Tôi kết hôn được 5 năm và chúng tôi cũng đã có 1 bé gái bốn tuổi. Gia đình sống chung ở một căn hộ chung cư.

Chồng tôi là một người rất gia trưởng và độc đoán, đi làm không bao giờ đưa tiền cho vợ. Chúng tôi hầu như ngày nào cũng có chiến tranh lạnh, tôi bây giờ rất mệt mỏi muốn giải thoát khỏi người chồng này nhưng lại nghĩ đến con gái là tôi luôn nuốt nước mắt chịu đựng. Dạo gần đây, anh ta hay gây sự với tôi, thưa luật sư nếu tôi ly hôn tôi có quyền nuôi con không ? Công việc của tôi là buôn bán ?

                                                                             Hoàng Lệ Thủy

Trả lời

Trường hợp của bạn có ly hôn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của hai bên. Nếu bạn thực hiện đơn phương ly hôn, mặc dù không có sự đồng ý của chồng bạn, bạn chỉ cần có căn cứ về việc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án sẽ giải quyết ly hôn theo đề nghị của bạn.

Theo quy định tại điều 56 Luật hôn nhân và gia đình mới năm 2014.

“ Ly hôn theo yêu cầu của một bên

  1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
  2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
  3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình mới năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con sau khi ly hôn:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

  1. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
  2. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo quy định trên, khi ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận người sẽ trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định. Khi đó, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, tinh thần, học hành của con cũng như xem xét nguyện vọng của con muốn được sống với ai để quyết định việc trao quyền nuôi con cho vợ hoặc chồng. Về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ nuôi dưỡng, con từ đủ 7 tuổi sẽ phải xem xét nguyện vọng của con.

Đối với trường hợp của bạn, con bạn 4 tuổi, do vậy hai vợ chồng bạn có thể thỏa thuận người về người trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định người trực tiếp nuôi dưỡng con dựa trên quyền lợi của con về mọi mặt. Nếu bạn muốn dành quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh được với Tòa án rằng bạn có điều kiện về kinh tế tốt hơn chồng (chẳng hạn như bạn có việc làm ổn định, thu nhập của bạn đủ để chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho con, đảm bảo cho con được ăn, mặc, ở, học hành, khám, chữa bệnh đầy đủ), hơn nữa bạn cũng có trình độ học vấn, môi trường giáo dục tốt, tình cảm yêu thương mà bạn dành để chăm sóc cho con từ trước tới nay rất sâu sắc. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải nêu ra những bất lợi nếu cho con ở với cha, chẳng hạn như chồng bạn đang thất nghiệp, thu nhập không ổn định, tư cách đạo đức của chồng bạn không tốt.

                                                                             Luật gia tư vấn

Tin tức khác