Vận dụng chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai lưu ý Hội về 4 vấn đề lớn:
Thứ nhất để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, các cán bộ Hội phải tiếp cận các chính sách, pháp luật mới. Đặc biệt sau khi Hiến pháp 2013 ra đời, Đảng và nhà nước bổ sung nhiều chính sách, pháp luật mới nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em. Các cán bộ Hội cần tiếp cận, cập nhật để tuyên truyền, và vận dụng các chính sách, pháp luật này một cách tốt nhất nhằm đem lại lợi ích cho các đối tượng được bảo vệ, đại diện.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai
Thứ hai, Hội phải tiếp tục đấu tranh nhằm đảm bảo thực hiện một số chỉ tiêu về bình đẳng giới, trong đó đặc biệt chú trọng chỉ tiêu tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Theo bà Trương Thị Mai đây là chỉ tiêu mà Hội LHPN và nhiều cơ quan ban ngành đã kiên trì đấu tranh, tham mưu, đề xuất nhằm thay đổi quy định trong Bộ luật Lao động, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đạt được sự bình đẳng. Chính bất bình đẳng về tuổi nghỉ hưu đã hạn chế cơ hội của phụ nữ. Bà Trương Thị Mai khẳng định: Cần có sự bình đẳng về cơ hội thì thực tế mới có thể tiến đến bình đẳng giới thực chất.
Thứ ba, Hội LHPN VN cần quan tâm đến những bộ phận, những nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ còn khó khăn. Hiện phụ nữ vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số còn nghèo, phụ nữ đô thị cũng có nguy cơ nghèo nếu gặp phải những cú sốc như biến động về kinh tế, thiên tai… Hội cần tập trung hỗ trợ những nhóm phụ nữ khó khăn nhất và đó cũng là góp phần giải quyết công bằng xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Thứ tư, về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, thời gian qua có nhiều vụ án được cơ quan chức năng xử lý. Hội cần có đánh giá thực tế này là do số vụ việc gần đây được khám phá đưa ra ánh sáng nhiều hơn hay tình trạng này đang gia tăng. Bà Trương Thị Mai cũng gợi ý, Hội có thể tập hợp nhóm chuyên gia về giới, pháp luật, tâm lý nhằm tư vấn, hỗ trợ online cho các nạn nhân và gia đình.
Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại: Hội nên tập trung vào 2 nội dung
Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội – trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy trong thời gian qua nạn xâm hại trẻ em đang có dấu hiệu tăng cao, đáng chú ý một số vụ việc có tính chất loạn luân đặc biệt có vụ việc cha ruột xâm hại con đẻ thậm chí là ông nội xâm hại cháu, đồng thời hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bà Thủy cũng cho rằng, cả gia đình, nhà trường, cơ quan bảo vệ pháp luật và chính các quy định pháp luật cũng làm chưa tốt công tác bảo vệ trẻ em.
Về phía gia đình, sau sự việc xâm hại trẻ thường có 2 xu hướng. Xu hướng thứ nhất các gia đình lo ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình vì vậy thường hướng tới hòa giải, thậm chí là đưa trẻ di chuyển đến địa phương khác. Xu hướng thứ hai các gia đình mong muốn đưa vụ việc ra pháp luật. Tuy nhiên phần vì nôn nóng, phần thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng xử lý nên gặp nhiều khó khăn và chưa biết cách thu thập chứng cứ ban đầu, điều đặc biệt quan trọng trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Chính vì vậy một số vụ việc không được xử lý đến tận cùng. Hậu quả của tình trạng trên dẫn đến bỏ lọt tội phạm và thủ phạm vẫn tiếp tục sống trong cộng đồng cùng với nguy cơ có thể tiếp tục gây án.
Về phía nhà trường, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng tuyên truyền cho các em học sinh về bạo hành và xâm hại tình dục. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, mới chỉ có mảng tuyên truyền về bạo hành được thực hiện tương đối tốt, về xâm hại tình dục vẫn chưa được tuyên truyền đúng mức cần thiết. Nhiều giáo viên trẻ vẫn còn e ngại khi tuyên truyền cho học sinh kiến thức về xâm hại tình dục.
Tham khảo các quốc gia trên thế giới, một số nước châu Á gần gũi với chúng ta như Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đã đưa hoạt động giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dụ trẻ em vào chương trình giáo dục sức khỏe. Trong đó họ cung cấp, hướng dẫn các kỹ năng nhận biết, phát hiện và xử lý đối với loại tội phạm này. Sau các khóa học họ để trẻ tự viết ra giấy những tình huống mà trẻ có thể đã từng phải đối mặt, đó cũng là một cách vừa nâng cao nhận thức vừa giúp trẻ nói ra được câu chuyện của mình.
Về phía các cơ quan tiến hành tố tụng, hiện hệ thống này vẫn hoạt động theo nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung mà thực tế là trọng vật chứng hơn lời khai. Trong những vụ án không có chứng cứ rõ ràng là vật chứng hoặc chứng cứ yếu, khả năng được làm sáng tỏ và xử lý triệt để là rất khó khăn. Trong khi đó đặc thù các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường không có nhân chứng, nạn nhân lại hầu hết còn nhỏ tuổi và không ý thức hết việc mình bị xâm hại vì vậy việc khai báo cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó là vướng mắc đến từ các quy định pháp luật. Theo Luật Giám định tư pháp hiện hành, công tác trưng cầu giám định được quy định chung mà chưa có những quy định đặc thù cho các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục. Gia đình và bản thân người bị hại chỉ được yêu cầu trưng cầu giám định trong trường hợp sau 7 ngày cơ quan tiến hành tố tụng không yêu cầu thực hiện trưng cầu giám định. Với khoảng thời gian đó, việc thu thập chứng cứ gần như không thực hiện được. Bên cạnh đó, việc xử lý các vụ việc xâm hại tình dục càng kéo dài tổn thương cho nạn nhân càng lớn.
Về quản lý nhà nước, hiện có 15 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, tuy nhiên đến thời điểm này, không một cơ quan nào thống kê được số liệu chính xác các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Số liệu này hiện chỉ do các cơ quan tiến hành tố tụng thống kê các đối tượng, vụ án đã được khởi tố. Rõ ràng còn một số lượng lớn vụ việc nhưng không được báo cho cơ quan tiến hành tố tụng, chưa được khởi tố, đồng nghĩa với việc số vụ việc trong thực tế sẽ lớn hơn thống kê rất nhiều. Một điểm đáng nói nữa, Bộ Thông tin Truyền thông là cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Tuy nhiên trong thực tế việc quản lý còn lỏng lẻo, các trang web đen vẫn rất phổ biến và có thể tấn công các em bất cứ lúc nào.
Bà Thủy đề nghị trong thời gian tới Hội LHPN VN nên tập trung vào hai nội dung:
Thứ nhất, trong công tác giám sát, nên lựa chọn một số chủ đề trọng tâm trong đó có chủ đề về các cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống nạn xâm hại trẻ em. Nên có những hội thảo chuyên đề về giám sát và thực hiện đến cùng mỗi khi sự việc xảy ra.
Thứ hai, Hội LHPN VN nên kiến nghị Quốc hội sửa đổi những bất cập trong các quy định về Luật Giám định Tư pháp, Luật Trẻ em để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trước tệ nạn này.
Nguồn: http://phunuvietnam.vn
- [10/01/2025] Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- [08/01/2025] Bẫy lừa trên không gian mạng - Bài cuối: Phụ nữ làm gì để phòng tránh?
- [08/01/2025] Bẫy lừa trên không gian mạng - Bài 1: Vì sao nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân?
- [30/12/2024] Nghị định 168/2024/NĐ-CP: Đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền
- [23/08/2022] Trường hợp mẹ kế được thừa kế tài sản của con chồng
- [20/01/2018] Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới