Phụ nữ Diên Khánh kế thừa và phát huy truyền thống quê hương Đồng Khởi

|
Bác Hồ đã từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; lật lại những trang vàng lịch sử quê hương Diên Khánh anh hùng, từ xưa đến nay các thế hệ phụ nữ Diên Khánh đã phát huy truyền thống dân tộc, bản lĩnh của mình không ngại khó khăn, gian khổ hy sinh, tham gia cống hiến cho đất nước, quê hương trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã anh dũng làm nên những bản hùng ca tuyệt đẹp, sáng ngời về lòng trung thành với Tổ quốc, về đức hy sinh, tinh thần dũng cảm, quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; góp phần tạo nên  một vóc dáng Việt Nam vinh quang.

Dien Khanh 55 nam Dong Khoi 1.png (456 KB)

Lãnh đạo huyện tặng hoa cho mẹ VNAH và cô Lê Thị Nữ ( nguyên Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Diên Sơn)

nhân Lễ kỷ niệm 55 năm phong trào Đồng Khởi Diên Khánh ( 7/11/1964 - 7/11/2019)

Tự hào và phát huy truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phong trào Đồng khởi Diên Khánh (1964 - 1965) tại vùng tứ thôn Đại Điền là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Diên Khánh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của huyện bước vào giai đoạn mới, tạo tiền đề vững chắc để giành thắng lợi to lớn hơn ở giai đoạn sau, góp phần cùng tỉnh và cả nước giành thắng lợi hoàn toàn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Ngược dòng lịch sử, vào tháng 7/1962, tại xã Diên Sơn, Chi đoàn nữ hợp pháp đầu tiên của huyện được thành lập gồm: cô Nam, cô Nữ, cô Đông và cô Điền. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các cô vừa là đoàn viên, vừa là du kích, tích cực vận động xây dựng cơ sở chống âm mưu rào “ấp chiến lược” của địch, đồng thời tham gia diệt ác, phá kiềm, đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận. Hoạt động của các cô mang lại hiệu quả tích cực, gây tiếng vang lớn được Nhân dân ngợi khen bằng câu thơ Bốn cô Nam, Nữ, Đông, Điền; quân thù khiếp sợ, dân làng mến thương”.

Từ Chi đoàn nữ hợp pháp tại Diên Sơn, những năm tiếp theo, huyện Diên Khánh tiếp tục phát triển Chi đoàn ở Diên Điền, rồi Chi bộ ở Diên Sơn, Diên Điền. Điểm đặc biệt ở đây là hầu hết Bí thư Chi đoàn rồi Chi bộ Đảng đều là các đồng chí nữ cán bộ, đảng viên hoạt động hợp pháp. Đây là nhân tố, là lực lượng nòng cốt đặc biệt quan trọng trong xây dựng lực lượng, bảo đảm phong trào đấu tranh hợp pháp luôn duy trì và phát triển trong điều kiện địch đánh phá ác liệt và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh Đồng Khởi giành chính quyền của huyện Diên Khánh.

Ngày 07/11/1964, phong trào Đồng Khởi bắt đầu nổ ra xuất phát từ Diên Sơn. Sáng sớm ngày 08/11/1964, dưới sự chỉ đạo của Đội công tác, trên 200 phụ nữ đã tổ chức các tổ đấu tranh chính trị và binh vận, tác động lớn đến tâm lý của kẻ địch, ổn định tình hình. Chiều và tối ngày 8/11/1964, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, Nhân dân đã nổi dậy Đồng Khởi làm chủ quê hương, thành lập Chính quyền cách mạng ở 2 xã Diên Sơn và Diên Điền với nhiệm vụ trọng tâm phá tan hệ thống kìm kẹp của địch, tổ chức nhân dân phối hợp các lực lượng chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng.

Trong thời gian 1964 - 1965, phụ nữ là lực lượng chính trong các đoàn biểu tình đấu tranh uy hiếp tinh thần địch. Các mẹ, các cô, các chị đã vận dụng mọi lợi thế của phụ nữ trong đấu tranh vừa đấu lý, vừa tranh thủ với địch tiến qua Thành để tăng cường lực lượng cho đoàn biểu tình, tranh thủ thời cơ tiếp viện lương thực, thực phẩm ủng hộ cho cách mạng. Đặc biệt từ trong phong trào Đồng Khởi chị em phụ nữ đã sáng tạo nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận và quân sự như đi chợ nhồi, tản cư ngược” đã đem lại kết quả vô cùng to lớn. Từ phong trào Diên Sơn, Diên Điền đã lan rộng đến các xã Diên An, Diên Toàn, Diên Lạc, Diên Lâm. Chị em tiểu thương ở chợ Thành, Thanh Minh đã vận động, tổ chức những đoàn xe lam chở hàng hóa, lương thực từ Thành lên Đồng Trăn, Cẩm Sơn phục vụ cho cuộc kháng chiến. Để bảo vệ vùng giải phóng, chị em đã vót hàng trăm ngàn cây chông để rào làng, đồng thời sang Quận lỵ để đấu tranh hù dọa địch.

Dien Khanh 55 nam Dong Khoi 2.png (529 KB)

Đ/c Phạm Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Diên Khánh

vinh dự phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 55 năm phong trào Đồng Khởi Diên Khánh ( 7/11/1964 - 7/11/2019)

Có thể khẳng định rằng phụ nữ Diên Khánh đóng vai trò hết sức to lớn, góp phần quyết định vào thắng lợi phong trào Đồng Khởi Diên Khánh. Phát huy tinh thần đó, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chị em là những đoàn viên, đảng viên, du kích hợp pháp, là lực lượng nồng cốt đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, rải truyền đơn, phối hợp với các lực lượng liên tục đánh địch bằng 3 mũi giáp công. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã có 10 chị được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và được nhân dân tin tưởng cử vào Ban lãnh đạo lâm thời như cô Nguyễn Thị Sướt, cô Lê Thị Nữ được cử làm Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Diên Sơn; cô Hồ Thị Xa được cử làm Phó chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Diên Điền.

Từ sau ngày quê hương được giải phóng tháng 4/1975 đến nay, các tầng lớp phụ nữ huyện Diên Khánh không ngừng phấn đấu và rèn luyện, nhiều cán bộ nữ đã trưởng thành trên tất cả các lĩnh vực công tác, nhất là công tác Hội và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Cấp ủy và giữ những cương vị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, từ huyện đến cơ sở chiếm khoảng 25%. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy, vai trò, vị trí của Phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Chiến tranh qua đi, biết bao người con của quê hương đã nằm yên nghĩ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ, các thế hệ phụ nữ hôm nay và mai sai sẽ luôn giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của cha ông và tinh thần Đồng khởi năm xưa. Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Diên Khánh hôm nay ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò và vị thế của mình; từ đó có những đóng góp tích cực cho sự chuyển mình đi lên của huyện nhà trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Tổ chức, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Giúp nhau phát triển kinh tế”, rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, phụ nữ Diên Khánh cũng vượt qua được những khó khăn, thử thách thực hiện thật tốt Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ phụ nữ đi trước, viết tiếp những trang hùng ca xây dựng quê hương đẹp giàu, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, không ngừng hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực học tập, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Thanh Bình