Hiệu quả từ mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn tại xã Cam Thành Nam

|

Trong những năm gần đây, nhờ vào mô hình nhóm tiết kiệm xoay vòng vốn tại cơ sở mà nhiều phụ nữ nghèo, cận nghèo tại xã Cam Thành Nam (Cam Ranh) đã xây dựng được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình. Từ đó, đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ nghèo phát huy hiệu quả trong việc tự tạo nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, cùng nhau vươn lên thoát nghèo góp phần làm giảm số lượng hộ nghèo tại địa phương xuống với một con số đáng ghi nhận.

Chị Nhan Thị Kim Thanh hiện là Chi trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quảng Hòa tham gia mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn của thôn từ năm 2008, 12 năm qua, nguồn vốn tiết kiệm của tổ đã luôn đồng hành cùng gia đình chị trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ những ngày điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, nguồn vốn của tổ tiết kiệm cũng đã giúp chị có kinh phí nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay, khi gia đình chị đã gây dựng được cơ ngơi khá giả, chị vẫn tích cực tham gia và vận động chị em góp vốn tiết kiệm để giúp các chị em khác cùng phát triển. “ Trong nhóm của tôi có 30 thành viên. Mỗi tháng, nhóm tổ chức sinh hoạt một lần để góp vốn. Trong trường hợp nếu có thành viên nào cần tiền để giải quyết việc quan trọng của gia đình thì nhóm sẽ ưu tiên cho thành viên đó nhận trước. Còn nếu không thì bốc thăm theo thứ tự. Vừa rồi, tôi cũng mới vay 30 triệu đồng về đầu tư mua giống heo, gà và cám về để phát triển chăn nuôi”, chị Thanh nói.

 cam thanh nam 2.jpg (256 KB)

    Hình ảnh sinh hoạt tổ vay vốn của Chị Nhan Thị Kim Thanh tại thôn Quảng Hòa xã Cam Thành Nam

 

Chị Nguyễn Thị Bình thôn Hòa Do 7 cũng chia sẻ: “Tôi tham gia Tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn từ năm 2012. Từ sự đóng góp của các thành viên, mỗi tháng giúp cho một thành viên vay được 15 - 20 triệu đồng. Với số vốn này, giúp cho chị em có điều kiện buôn bán nhỏ hoặc trồng trọt, chăn nuôi, nuôi con cái ăn học, mua sắm vật dụng trong gia đình. Nhờ đó cuộc sống gia đình các thành viên trong nhóm đều đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây”.        

          Chị Lê Thị Hiếu là Tổ trưởng Tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn thôn Quảng Phúc xã Cam Thành Nam chia sẻ, mô hình này bắt đầu hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2008. Ban đầu toàn xã chỉ có 2 nhóm, với 30 thành viên, nay đã phát triển lên 8 nhóm, với 250 thành viên. Hàng tháng, các nhóm đều tổ chức sinh hoạt một lần nhằm đánh giá, nắm bắt tình hình lao động sản xuất, đời sống của từng thành viên, đồng thời góp vốn để cho một thành viên có nhu cầu vay. Cứ như thế, nguồn vốn sẽ được các chị em đóng góp và xoay vòng cho lần lượt các thành viên được vay không tính lãi. Những năm đầu, hầu hết các nhóm đều có mức đóng góp từ 200 - 300.000 đồng/người/tháng. Mấy năm gần đây, điều kiện kinh tế của chị em đã phát triển hơn và nhu cầu vốn cũng tăng dần lên nên hiện tại đã có 8 nhóm nâng mức đóng góp lên 1 triệu đồng/người/tháng, chỉ còn 2 nhóm giữ mức đóng góp 500.000 đồng/người/tháng. Nếu cộng dồn từ ngày mới đi vào hoạt động đến nay, thì nguồn vốn chị em tự đóng góp đã lên đến hơn 1 tỷ đồng. Từ chỗ có hơn 20 thành viên thuộc hộ nghèo, đến nay các nhóm đều đã xóa gần hết hộ nghèo, nhiều hội viên vươn lên xây dựng cuộc sống khá, giàu và thoát nghèo bền vững”.

Chị Nguyễn Thị Liễu Trâm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cam Thành Nam cho biết: “Trong những năm qua chị em của các tổ tiết kiệm xoay vòng vốn không chỉ giúp nhau về nguồn vốn tự vận động mà các thành viên trong Tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn còn hỗ trợ, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời hỗ trợ chị em trong nhóm tiếp cận các nguồn vốn vay khác của địa phương và đặc biệt là nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội của thành phố Cam Ranh, trong thời gian qua chị em cũng đã quản lý, khai thác sử dụng đúng mục đích và rất có hiệu quả. Số vốn tăng trưởng hàng năm và không có nợ quá hạn. Bên cạnh đó hàng tháng, ngoài nguồn vốn xoay vòng, thì các chị còn tự đóng góp kinh phí xây dựng quỹ để tổ hoạt động như tổ chức đi tham quan, dã ngoại học hỏi các đơn vị khác. Thông qua mô hình này, đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, phát huy nội lực của chị em để giúp nhau xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Đồng thời, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen trong chị em phụ nữ trên địa bàn xã”.

Hội Phụ xã Cam Thành Nam có 1.315 hội viên. Hiện nay còn 25 hộ nghèo, phụ nữ cận nghèo là 52 hộ, trong đó có 10 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Từ hiệu quả hoạt động của tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn, thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em tiếp tục mạnh dạn tham gia mô hình này, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, để có thêm nguồn lực vươn lên cải thiện cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững cũng như góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Qua một quá trình dài triển khai thực hiện mô hình, đến nay mô hình tiết kiệm vốn vay trên địa bàn xã Cam Thành Nam đã trở nên gắn bó xuyên suốt và thật sự trở lên hữu ích đối với các hội viên phụ nữ. Từ mô hình này đã hình thành cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ nghèo có thói quen tiết kiệm, tính toán chi tiêu trong gia đình góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

                                                                                  Thu Huyền