Con rồng trong văn hóa Việt Nam
Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt.
Mỗi người dân Việt Nam từ thuở ấu thơ đều được học bài học vỡ lòng về truyền thống dòng giống Rồng Tiên, với huyền sử Lạc Long Quân - Âu Cơ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con trai Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Vua đã bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên"...
Từ đó trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt truyền tụng rằng tổ tiên của chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, tượng trưng cho những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn, tinh thần cao thượng, sức mạnh và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam.
Vì sinh sống ở vùng lãnh thổ có nhiều biển cả sông nước, Hùng Vương đã dạy con dân của mình tục xăm mình hình rồng ở ngực, bụng và hai chân để không bị các loài thủy quái xâm hại. Trong đời sống dân gian, rồng còn tượng trưng cho thần linh, mây, mưa, sấm chớp... Hình tượng rồng tìm thấy trong văn hóa Đông Sơn, Âu Lạc với những hình trang trí chữ S và tục thờ tứ pháp, trong cung đình và đời sống dân dã.
Rồng qua các thời kỳ lịch sử
Hình tượng con rồng Việt xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Khi giành được độc lập, nhà Lý lên ngôi và đặt tên nước là Đại Việt; hình ảnh "Rồng bay lên" - Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đặt tên cho đất đế đô. Rồng thời Lý còn tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn được thể hiện trong khung cảnh trời mây, non nước.
Rồng thời Trần thừa kế những yếu tố cơ bản của thời Lý nhưng có những biến đổi về chi tiết. Dạng tự chữ "S" dần mất đi hoặc biến dạng thành hình con, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi, đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Từ nửa cuối thế kỷ XIV, con rồng đã vượt ra khỏi kiến trúc cung đình để có mặt trong các kiến trúc dân dã, không chỉ có trong điêu khắc đá và gốm mà còn xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở các đình chùa.
Đến thời Hậu Lê, rồng thay đổi hẳn. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm Tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều. Rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là Lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), Quy (con rùa - tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và Phượng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).
Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi...
Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai con rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt), chầu hoa cúc, chầu chữ thọ...
Trong đời sống tâm linh của người Việt, rồng được gắn với những điều huyền bí về long mạch, phong thủy ("mộ táng hàm rồng", "tả thanh long, hữu bạch hổ"...).
Hình tượng rồng thật thân thiết, sâu đậm trong tâm thức người Việt. Các triều đại vua chúa ngày xưa đưa múa rồng trở thành loại hình múa nghệ thuật truyền thống không thể thiếu trong các lễ trọng của cung đình. Trong đời sống dân gian, rồng được thể hiện rất phong phú: múa rồng trên sân đình vào các dịp hội hè, lễ tết; trò chơi rồng rắn lên mây của trẻ con; rồng trong tranh dân gian Đông Hồ, rồng trên giấy diệp...
Khắp cả ba miền đất nước đều có những công trình, địa danh gắn với rồng, như: Hoàng thành Thăng Long, vịnh Hạ Long, đảo Bạch Long Vĩ, cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Hàm Rồng, tỉnh Vĩnh Long, thành phố Long Xuyên, sông Cửu Long...
Ngày nay, bước vào thời đại công nghiệp, kỹ thuật số, người Việt không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại, hình tượng con rồng Việt vẫn được ngưỡng mộ đưa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.
Rồng được trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, điêu khắc, chạm trổ; rồng được thêu trên áo dài của các nhân vật nổi tiếng; múa rồng chào mừng các sự kiện trọng đại của quốc gia và cả trong lễ khai trương trang trọng của doanh nghiệp...
Trong suốt 4 nghìn năm văn hiến, kể từ thời các vua Hùng dựng nước đến nay, con rồng Việt luôn gắn bó, hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt; là biểu tượng của những phẩm chất cao đẹp, sức vươn lên mạnh mẽ và niềm tự hào dân tộc của người Việt qua các thời kỳ lịch sử.
Sưu tầm
- [16/12/2024] Những người kể sử: Cụ bà và di tích lịch sử gắn với những ngày "Toàn quốc kháng chiến"
- [28/11/2024] ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
- [23/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NHA TRANG - KHÁNH HÒA KHÁNG CHIẾN (23/10/1945 - 23/10/2024)
- [18/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY BÁC HỒ ĐẾN VỊNH CAM RANH (18/10/1946 - 18/10/2024)
- [15/10/2024] CHỐNG LÃNG PHÍ
- [29/01/2024] Vượt Vũ môn, Cá chép hóa Rồng
- [03/01/2024] Alexandre Yersin - Nhà bác học với tấm lòng nhân ái
- [31/12/2023] Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2024)
- [19/12/2023] Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 -01/01/2024)
- [19/12/2023] Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam(22/12/1944 - 22/12/2023)và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023)