Hưởng ứng Ngày Hội đọc sách

|

           Văn hoá đọc sách là một phần quan trọng trong văn hóa của một quốc gia, nó giúp cho người đọc mở rộng kiến thức trên các lĩnh vực, phát triển tư duy độc lập, khả năng đánh giá, suy nghĩ sáng tạo và phát triển khả năng ngôn ngữ. Văn hoá đọc sách cũng có tác động đến xã hội, giúp tạo ra một xã hội thông minh, có trí tuệ và sáng suốt.

nhà sách.jpg (108 KB)

Ảnh Sưu tầm

          Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm tôn vinh tầm quan trọng của văn hóa đọc, khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, vị anh hùng giải phóng dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc

          Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, nhằm tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, Ngày Sách Việt Nam còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để mọi người cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những cuốn sách yêu thích, kinh nghiệm đọc sách và cảm nhận về những giá trị mà sách mang lại; là dịp để khuyến khích trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn cùng tham gia vào văn hoá đọc sách và rèn luyện và duy trì thói quen đọc sách. Để có được thói quen này, cần bắt đầu từ tuổi thơ và được khuyến khích bởi các bậc phụ huynh. Trong quá trình học tập, mỗi cá nhân sẽ phát hiện ra sở thích đọc của riêng mình và từ đó phát huy sở trường và hạn chế những sở đoản. Việc rèn luyện kỹ năng đọc cũng là một quá trình không ngừng nghỉ, vì kiến thức và sở thích của mỗi người thường có sự thay đổi theo thời gian.

          Trong bài "Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam", Nguyễn Hữu Viêm chia sẻ rằng kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc. Các thao tác tư duy được ông nhắc đến đó là:

  1. Lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc (tài liệu nghiên cứu, tài liệu phổ thông, tài liệu giải trí...).
  2. Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân, trước hết trong các thư mục và mục lục thư viện, các nguồn tra cứu như: bách khoa thư, từ điển giải nghĩa, các loại sổ tay, cẩm nang... và biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân trong môi trường số (trong các cơ sở dữ liệu, trên Internet).
  3. Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp).
  4. Biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc, kể cả cách đọc tài liệu, như cách ngồi, khoảng cách giữa mắt và tài liệu đọc,v...v...
  5. Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, lập hộp phiếu thư mục, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp...
  6. Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc.

      Theo Nguyễn Hữu Viêm, mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dung những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Ngày nay, người ta đặc biệt lưu tâm tới yếu tố thứ 6: biết vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống của mỗi người đọc để có thể cải thiện được chính cuộc sống của họ.

          Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, việc đọc sách ngày càng trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể đọc sách trên điện thoại, máy tính bảng hoặc các thiết bị đọc sách điện tử. Dù là bằng hình thức nào, việc duy trì thói quen đọc sách sẽ giúp mỗi người không ngừng mở rộng và nâng cao kiến ​​thức, tiếp cận với sự phát triển của khoa học, bồi dưỡng khả năng tư duy logic, có phương pháp làm việc hiệu quả, có thái độ đúng đắn đối với thế giới xung quanh và với bản thân, đặc biệt là bồi dưỡng hứng thú, năng lực và thói quen tự học suốt đời. Để góp phần chung tay vào việc hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, hãy cùng nhau tôn vinh giá trị của sách và dành ít nhất một thời gian ngắn trong ngày để đọc sách, khám phá thế giới tri thức đầy hấp dẫn để cùng nhau xây dựng một xã hội thông minh và phát triển.

ST