Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975 - 2/4/2024): Trang sử hào hùng và chói lọi
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Khánh Hòa cùng với cả nước trải qua suốt 21 năm, với bao gian khổ hy sinh, đầy thử thách, song vô cùng oanh liệt và vẻ vang. Sau 49 năm kể từ ngày giải phóng, đặc biệt là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Khánh Hòa luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Chiến thắng oanh liệt
Sau những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Khánh Hòa cùng cả nước đã giành thắng lợi vẻ vang, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954) kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhưng với mưu đồ tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam chia cắt lâu dài đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á, đế quốc Mỹ đã ép Pháp dựng nên chế độ độc tài Ngô Đình Diệm hòng thống trị miền Nam Việt Nam. Để thực hiện được mưu đồ, đế quốc Mỹ đã triển khai “chiến tranh một phía”. Đứng trước tình hình trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Khánh Hòa cùng với cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, chống đế quốc Mỹ. Đây là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và oanh liệt nhất trong lịch sử của quê hương, đất nước.
Quân giải phóng tiến về thị xã Nha Trang ngày 2-4-1975. Ảnh tư liệu
Vượt qua khó khăn trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Khánh Hòa đã bền bỉ đấu tranh chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, kiên quyết bảo tồn lực lượng cách mạng. Từ năm 1960, thực hiện Nghị quyết số 15 của Trung ương Đảng, cùng với khí thế của toàn miền, phong trào cách mạng ở Khánh Hòa chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công, cùng toàn miền Nam làm thất bại “quốc sách ấp chiến lược”, xương sống “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. Từ năm 1965 đến 1967, quân và dân Khánh Hòa đã chiến đấu anh dũng, góp phần cùng với quân, dân toàn miền Nam đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của đế quốc Mỹ. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Khánh Hòa đã nổ ra trong giờ phút đầu tiên của toàn miền và thực hiện mạnh mẽ ở trọng điểm Nha Trang. Phối hợp với phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, quân ta đã đột nhập tiến công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của địch ở khắp các quận lỵ, thị trấn, chiếm lĩnh một số nơi quan trọng trong thị xã Nha Trang. Thắng lợi của quân và dân Khánh Hòa trong Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 rất quan trọng, đã góp phần vào thắng lợi chung của toàn miền. Sau thất bại Xuân Mậu Thân, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pari. Tuy bị thất bại nặng nề nhưng âm mưu và bản chất cực kỳ ngoan cố của Mỹ vẫn không thay đổi, chúng chuyển sang dùng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thực hiện “bình định cấp tốc” với nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt. Với trước tình hình đó, từ đầu năm 1969 đến Thu Đông năm 1971, Tỉnh ủy đã tổ chức sắp xếp lại lực lượng và chủ trương mở các chiến dịch từ HT1 đến HT4 với phương châm “giành dân, giành quyền làm chủ, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ”. Lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiến hành diệt ác trị điệp, phá rã lực lượng phòng vệ dân sự trên diện rộng, đẩy lùi kế hoạch “bình định đặc biệt” của địch, làm chủ thêm nhiều địa bàn mới.
Cuối năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện chủ trương này, vào tháng 2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã họp bàn biện pháp thực hiện chỉ thị của Khu ủy và chuẩn bị tốt mọi mặt để phối hợp giải phóng các huyện. Tháng 3-1975, quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Sau khi lực lượng chủ lực của ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, cắt đứt đường 21; địch bất lực, ta chiếm luôn quận lỵ Khánh Dương vào ngày 22-3. Sáng 31-3, Sư đoàn 10 chủ lực của ta từ phía tây thừa thắng tiến quân về phía đông với sức mạnh như vũ bão. Tại huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), đội vũ trang công tác và du kích cùng nhân dân nổi dậy ở nhiều xã. Ngày 1-4-1975, Ninh Hòa giải phóng. Từ ngày 1 đến 2-4-1975, vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh được giải phóng. Địch ở Nha Trang nhốn nháo tháo chạy. 17 giờ ngày 2-4-1975, Sư đoàn 10 có sự phối hợp với quân, dân địa phương tiến vào giải phóng thị xã Nha Trang, tiếp theo là Vĩnh Xương, Diên Khánh; ngày 3-4 giải phóng thị xã Cam Ranh và khu liên hợp quân sự Cam Ranh, 58.000 quân địch ở Khánh Hòa hoàn toàn tan rã. Sau khi được giải phóng, Khánh Hòa trở thành bàn đạp quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời, quân và dân Khánh Hòa đã góp phần cùng các lực lượng thuộc Quân khu 5 và bộ đội hải quân lần lượt giải phóng các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... Ngày 29-4-1975, toàn bộ quần đảo Trường Sa được giải phóng. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân tỉnh ta cùng với cả nước trải qua suốt 21 năm, với bao gian khổ hy sinh, đầy thử thách, song vô cùng oanh liệt và vẻ vang. Quân và dân Khánh Hòa đã đánh hàng nghìn trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30.000 tên địch, trong đó có hơn 3.000 tên Mỹ, gần 6.000 tên Nam Triều Tiên; bắn rơi, phá hủy, đốt cháy 318 máy bay các loại; phá hủy 130.000 tấn bom đạn, 350 tấn hàng quân sự; đốt cháy và phá hủy hơn 100 triệu lít xăng dầu, 34 xe quân sự; đánh chìm 9 tàu chiến; 62.119 tên tề ngụy bị bắt và ra trình diện. Những chiến công này đã góp phần quan trọng làm nên toàn thắng vẻ vang của cả nước; Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa.
Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa rất quan trọng, là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc; đánh dấu bước ngoặt quyết định, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vững bước đi lên
Từ sau ngày giải phóng, với truyền thống đấu tranh anh dũng, được rèn luyện thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Khánh Hòa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Sau 49 năm kể từ ngày giải phóng, đặc biệt là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Khánh Hòa luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, nêu cao bản lĩnh, khí phách của vùng đất, con người Khánh Hòa, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai thác tiềm năng, nhất là lợi thế về kinh tế biển để phát triển nhanh, bền vững. Trong 10 năm trở lại đây, Khánh Hòa giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đến nay, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước và cả những khó khăn riêng của tỉnh, song Khánh Hòa luôn giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân cho sự phát triển. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế chính sách phát triển, kịp thời cụ thể hóa, chủ động triển khai các cơ chế, chính sách, nguồn lực của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ dành cho tỉnh. Đây chính là bài học về sự quyết tâm, đổi mới trong cách làm và vai trò của người đứng đầu vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai toàn diện các nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Có 20/22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, GRDP tăng 10,35% (đứng thứ 4 cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung); đưa tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 8,15% (kế hoạch là 7,5%), quy mô kinh tế lần đầu vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã đón hơn 7,2 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 2,4 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt gần 31.779 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 1.750 triệu USD, tăng 5,9%. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 18.013 tỷ đồng, vượt 16,6% dự toán và tăng 9,2% so với năm 2022. Toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 100.866 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành công tác lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch quan trọng, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh... Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,11%. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng được giữ vững. Tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự.
Cùng với đó, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Công tác chính trị tư tưởng được chú trọng, bộ máy tổ chức được tập trung kiện toàn, đổi mới sắp xếp phù hợp hơn. Hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng ngày càng được nâng lên; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, toàn diện hơn với quyết tâm chính trị cao. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy có nhiều đổi mới. Đáng chú ý là công tác phát triển đảng viên đạt 124,6% kế hoạch, bằng 4,07% tổng số đảng viên của tỉnh, đứng thứ 7 cả nước về tỷ lệ kết nạp đảng viên…
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Do đó, Tỉnh ủy xác định vấn đề cốt lõi là tiếp tục khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự bứt phá, duy trì đà phát triển ở tất cả các lĩnh vực để đạt được những mục tiêu đề ra, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
T.K
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/.../ky-niem-49-nam-ngay-giai.../
- [16/12/2024] Những người kể sử: Cụ bà và di tích lịch sử gắn với những ngày "Toàn quốc kháng chiến"
- [28/11/2024] ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
- [23/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NHA TRANG - KHÁNH HÒA KHÁNG CHIẾN (23/10/1945 - 23/10/2024)
- [18/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY BÁC HỒ ĐẾN VỊNH CAM RANH (18/10/1946 - 18/10/2024)
- [15/10/2024] CHỐNG LÃNG PHÍ
- [29/03/2024] Nhận dạng chiêu trò "đề cao để hạ bệ"
- [20/03/2024] Lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3
- [28/02/2024] HƯỞNG ỨNG "TUẦN LỄ ÁO DÀI" NĂM 2024
- [28/02/2024] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024)
- [19/02/2024] Đối ngoại Đảng góp phần quan trọng, nổi bật vào thành tựu chung của đất nước