Những điều cha mẹ cần làm khi phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục
Tại hội thảo "Đánh giá việc quản lý thực hiện nhận tài trợ và chia sẻ kinh nghiệm, trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ, tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội" do Liên minh Châu Âu phối hợp với Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện, vừa được tổ chức tại Hà Nội, các tham luận đều chỉ rõ, để cha mẹ có thể là điểm tựa an toàn nhất sau khi phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD), trước hết cha mẹ cần nhận diện rõ về bản chất của XHTD.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ con bị xâm hại tình dục, trong lúc con hoảng loạn và có nhiều biểu hiện bất thường,
cha mẹ cần là chỗ dựa vững chắc nhất, an toàn nhất cho con.
Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, quan sát con hàng ngày
Theo báo cáo tại hội thảo, XHTD có nhiều hình thức, bao gồm những hành vi không tiếp xúc cơ thể như: ép buộc trình diễn khiêu dâm, cho trẻ em xem phim tình dục…., nên đôi khi bạn sẽ ít thấy dấu hiệu trên cơ thể của trẻ.
Để nhận biết, các cha mẹ cần quan sát các biểu hiện về thể chất, cảm xúc và hành vi như: Đi lại, ngồi khó khăn; bộ phận sinh dục trẻ có dấu hiệu viêm nhiễm, có mùi hôi; trẻ đi tiểu thường xuyên, bị đau rát khi đi tiểu hoặc tiểu ra máu; quần áo lót của trẻ bị rách, bẩn một cách không bình thường hoặc có vết máu; trẻ có vết thâm tím, chảy máu, xước… kêu đau ở bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc các bộ phận kín khác của cơ thể mà không rõ nguyên nhân; trẻ có thai (tự nhiên béo lên, tăng cân, béo bụng…).
Bên cạnh đó là những dấu hiệu cảm xúc của trẻ: Hoảng loạn, sa sút tinh thần, muốn tự tử; hay giật mình, lo sợ bị tấn công, sợ sệt một điều gì đó; Sợ hoặc xa lánh một ai đó; Lo lắng, bồn chồn hoặc buồn bã, hoảng hốt; không có khả năng tập trung, suy sụp; Dửng dưng, không có phản ứng tình cảm, bỏ đi khỏi nhà.
Để nhận biết được những dấu hiệu này, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, quan sát con hàng ngày. Mỗi ngày, chỉ cần 15 phút trò chuyện, quan sát sẽ giúp bạn hiểu, cảm nhận sự thay đổi của con để kịp thời trợ giúp.
Trẻ dễ bị hoảng loạn, sợ hãi sau khi bị XHTD (Ảnh minh hoạ)
Nếu nghi ngờ trẻ bị XHTD, cha mẹ cần trình báo với cơ quan công an
Theo tài liệu hướng dẫn tại Hội thảo, cha mẹ cần quan sát kỹ các dấu hiệu và tìm hiểu để biết nguyên nhân dẫn đến các dấu hiệu đó (bằng cách hỏi trẻ, hỏi những người liên quan…); Khuyến khích trẻ trao đổi, nói chuyện, kể lại sự việc, lắng nghe và tỏ sẵn thái độ sẵn sàng giúp đỡ trẻ. Lưu giữ các bằng chứng liên quan tới việc con có thể đã bị XHTD. Ví như: Đồ lót có dính máu, vết tinh dịch; các vật lạ bám trên quần áo hoặc cơ thể trẻ… Chụp lại hình ảnh các vết thương trên cơ thể trẻ và các vật phẩm liên quan để cung cấp cho cơ quan công an.
Cha mẹ nếu thấy trẻ có các dấu hiệu thể chất của việc bị XHTD thì báo với một trong các địa chỉ sau: Công an nơi mình cư trú hoặc công an quận/huyện; Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi mình sinh sống hoặc Phòng LĐTB&XH cấp quận, huyện. Cha mẹ cũng có thể gọi ngay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (miễn phí); Cha mẹ cũng có thể yêu cầu công an cấp xã, quận/huyện hỗ trợ đưa trẻ đi giám định tổn thương tại các cơ sở y tế có thẩm quyền càng sớm càng tốt. Trong trường hợp công an trả lời không thể ngay lập tức đưa trẻ đi giám định, vì các lý do ngoại cảnh (trong đêm…), thì cần đưa trẻ đi khám y tế Khoa cấp cứu tại các bệnh viện gần nhất.
Khi đến cơ sở y tế, lập tức nói ngay nghi ngờ của mình với cán bộ y tế và yêu cầu họ khám theo quy trình hỗ trợ trẻ bị XHTD theo Quyết định của Bộ Y tế.
Khi trẻ tiết lộ câu chuyện, cha mẹ cần: Lắng nghe, tin tưởng câu chuyện của trẻ. Không thể hiện sự nghi ngờ, khẳng định việc trẻ kể ra là điều đúng đắn. Cha mẹ cũng cần giữ bình tĩnh. Cố gắng không thể hiện sự tức giận hay hoảng hốt, hoặc mất tự chủ, điều đó sẽ khiến trẻ hoảng sợ hơn. Cha mẹ cần trấn an tinh thần để trẻ không cảm thấy đơn độc, tội lỗi mà trẻ thấy được tin tưởng, trợ giúp. Bên cạnh đó, thêm 1 việc cần làm lúc này, cha mẹ cần thu thập thêm thông tin câu chuyện để hỗ trợ trẻ. Việc này cần làm một cách thận trọng, không ép trẻ kể về sự việc, nếu cha mẹ thấy khó khăn hãy tìm sự trợ giúp ở các cơ sở hỗ trợ trẻ bị XHTD như Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Trung tâm phụ nữ và Phát triển…. để thu thập thông tin mà không làm tổn thương trẻ thêm.
Cha mẹ là người đầu tiên giúp trẻ sớm phục hồi, chữa lành vết thương
Trong phiên thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra 3 yếu tố quan trọng để các bậc cha mẹ có thể chăm sóc trẻ sau sự việc bị XHTD. Đây chắc chắn là điều không dễ dàng với bất cứ gia đình nào sau khi trải qua sự việc đau lòng này, nhưng cha mẹ phải là người đầu tiên giúp trẻ có cảm giác an toàn, từ đó giúp trẻ sớm phục hồi, chữa lành vết thương và để trẻ cảm nhận yêu thương từ cha mẹ.
Giúp trẻ chăm sóc cơ thể: Một cơ thể khoẻ mạnh sẽ đem đến một trí não khoẻ mạnh, tinh thần minh mẫn. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc hướng dẫn hoặc cùng con tập thể dục. Ban đầu sẽ khó khăn, có thể chỉ là đi bộ, hoặc có thể làm bất kỳ động tác thể dục hay môn thể thao nào trẻ thích. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến bữa ăn hàng ngày của trẻ. Có thể trẻ sẽ biếng ăn hoặc ăn quá nhiều. Cha mẹ cần có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo trẻ ăn uống đầy đủ chất theo hoàn cảnh của gia đình.
Chăm sóc về tâm lý: Tâm trí là nhận thức, suy nghĩ về bản thân, về cuộc sống. Chắc chắn các ý nghĩ tuyệt vọng, mất niềm tin vào tương lai sẽ xuất hiện rất nhiều lần trong suy nghĩ của trẻ. Cha mẹ hãy hướng dẫn con nghĩ đến những điều tốt đẹp mà con muốn làm trong tương lai.
Chăm sóc tinh thần: Để có được sức khoẻ tinh thần tốt, cha mẹ cần hướng dẫn con: Thường xuyên vận động, tiếp xúc với thiên nhiên, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc. Giúp con nghĩ về tương lai. Kể cho con nghe hoặc hướng dẫn con tìm hiểu người cùng cảnh ngộ vượt qua hoàn cảnh như thế nào, khích lệ con có thể làm được, cha mẹ luôn ở bên cạnh yêu thương, che chở và là chỗ dựa vững chắc cho con.
- [16/12/2024] Những người kể sử: Cụ bà và di tích lịch sử gắn với những ngày "Toàn quốc kháng chiến"
- [28/11/2024] ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
- [23/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NHA TRANG - KHÁNH HÒA KHÁNG CHIẾN (23/10/1945 - 23/10/2024)
- [18/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY BÁC HỒ ĐẾN VỊNH CAM RANH (18/10/1946 - 18/10/2024)
- [15/10/2024] CHỐNG LÃNG PHÍ
- [04/11/2022] Tài liệu tuyên truyền: Bản tin đối ngoại tháng 10
- [20/10/2022] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022)
- [20/10/2022] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022)
- [18/10/2022] Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
- [03/10/2022] Bản tin đối ngoại tháng 5/2022