Những người kể sử: Cụ bà và di tích lịch sử gắn với những ngày "Toàn quốc kháng chiến"
Người phụ nữ bình dị một lòng theo Đảng, theo Cách mạng
Cụ Nguyễn Thị An sinh năm 1896 và lớn lên ở thôn 5, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ về làm dâu ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là quận Tây Hồ), Hà Nội. Gia đình cụ Nguyễn Thị An thời đó chăm lo làm ăn, tích cực khai hoang vùng đất màu mỡ phù sa ven sông Hồng, cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm. Sản phẩm tơ tằm của gia đình ngày càng được chăm chút, cải tiến dần trở nên nổi tiếng không chỉ ở thủ đô Hà Nội mà còn được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Vì thế, gia đình cụ Nguyễn Thị An ngày một khá giả, giàu có.
Cụ Nguyễn Thị An và con trai bên ngôi nhà của mình
Với số tiền tích lũy được, gia đình cụ mua thêm nhiều ruộng đất, tậu thêm trâu bò và các vật dụng quý, mua thêm đất xung quanh nhà, tu sửa 7 gian nhà trên, xây thêm ngôi nhà 5 gian để làm nhà ở và tiếp khách. Chồng là Chánh tổng nhưng mất sớm, cụ Nguyễn Thị An dần gánh vác, phát triển cơ nghiệp nhà chồng, một mình tần tảo nuôi 4 người con khôn lớn.
Vào những năm 1941 -1942, bà Trần Thị Sáu là giao thông đặc biệt của Thường vụ Trung ương đến Phú Gia giác ngộ, gây dựng các cơ sở cách mạng, trong đó có gia đình cụ Nguyễn Thị An; kết nối những người có chí hướng, trung thành với cách mạng ở thôn Phú Gia với các cơ sở cách mạng ở An toàn khu Trung ương thành một đường dây liên lạc chặt chẽ, bí mật, thân thiện. Trong đó có những cơ sở cách mạng của những người thân và người ruột thịt của gia đình cụ Nguyễn Thị An. Những cơ sở cách mạng nơi đây đã nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hương…
Bà Công Thị Thu - con của cụ Nguyễn Thị An - lúc đó được mẹ và bà Trần Thị Sáu cho đi cùng tới các cơ sở cách mạng để làm quen. Dần dần, bà Thu được tin tưởng cho đi một mình. Sau này, bà Thu mới biết rằng, mỗi lần đi đến các cơ sở Cách mạng, bà đều được giao mang theo tài liệu của Đảng phục vụ các đồng chí Thường vụ Trung ương chỉ đạo phong trào cách mạng lúc bấy giờ.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm hỏi cụ Nguyễn Thị An
Đón "Cụ già Thượng cấp" từ chiến khu Việt Bắc
Đặc biệt, gia đình cụ Nguyễn Thị An còn được giao nhiệm vụ đón "Đồng chí Thượng cấp" (Chủ tịch Hồ Chí Minh) từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô ở và làm việc từ ngày 23-25/8/1945, trước khi vào nội thành Hà Nội. Đây cũng là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng: Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; ra mắt Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Gia đình vinh dự được đón Bác về thăm
Một năm sau đó, ngày 24/11/1946, gia đình cụ Nguyễn Thị An lại tiếp tục được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm gia đình và làm việc với cán bộ "khu Lãng Bạc" và chính quyền địa phương.
Cũng chính tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc với các đồng chí cán bộ chủ chốt của địa phương và "khu Lãng Bạc" về kết quả đạt được sau 1 năm giành tự do, độc lập; hỏi thăm về tình hình cuộc sống và làm ăn của nhân dân trong xã, về diệt giặc đói, giặc dốt, về tình hình nam nữ bình quyền… và công tác chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa sẽ lại về thăm Phú Thượng. Vinh dự tự hào, ngày 31/01/1957, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Thượng lần thứ 3 được đón Bác về thăm.
Bà Công Thị Thu bên di ảnh mẹ - cụ Nguyễn Thị An - trong ngày đón Bằng xếp hạng Di tích cấp thành phố cho ngôi nhà lịch sử
Tiếp tục nuôi giấu cán bộ, động viên các con thoát ly đi kháng chiến
Với tinh thần quyết tâm đi theo Cách mạng, sau lời hiệu triệu "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, cụ Nguyễn Thị An tiếp tục động viên con cháu tham gia kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là từ khi Chính phủ và Quân đội rút lên Chiến khu Việt Bắc, chính quyền non trẻ của xã phải đi vào hoạt động bí mật. Trong suốt những năm từ 1947-1954, bất chấp sự khủng bố, tra khảo, truy xét của bọn tề nguỵ về việc nuôi giấu cán bộ trước đây, cụ Nguyễn Thị An vẫn bình tĩnh, âm thầm tiếp tục giữ liên lạc với các cán bộ kháng chiến của Thủ đô và tham gia kháng chiến dưới nhiều hình thức: Nuôi dưỡng, tiếp tế, đón tiếp nhiều đoàn cán bộ hoạt động trong vùng "địch hậu", tổ chức đào hầm ngay trong ngôi nhà và đất vườn, ao để cán bộ trú ẩn, cất giấu tài liệu, súng đạn…
Bản thânbà Công Thị Thu (nhân vật chính trong Chương trình Những người kể sử)cùng 2 anh trai đều thoát ly đi kháng chiến. Anh trai thứ hai là Công Ngọc Thụ đi theo Quân Vệ quốc đoàn và hy sinh tại Chiến khu Việt Bắc. Ban đầu, bà Công Thị Thu tham gia công tác thanh niên, phụ nữ xã, sau đó kết nối làm giao liên cho bộ đội địa phương "Thành Đội". Đêm đêm, bà cùng anh em du kích trong thôn cùng bộ đội vượt sông Hồng trở về làng đấu tranh chống bọn Việt gian, phản động, tề nguỵ, không cho chúng tự do đàn áp các cơ sở kháng chiến của ta. Đến năm 1951, khi Thành uỷ chuyển hướng hoạt động, bà Công Thị Thu đã chuyển vào nội thành hoạt động tiếp, phục vụ công tác Công vận và làm giao thông cho Thành uỷ Hà Nội đến ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng.
Bà Công Thị Thu bên con gái và con dâu trong ngôi nhà Di tích
Địa chỉ đỏ - niềm tự hào của Thủ đô
Với sự đóng góp từ những năm đầu tiền khởi nghĩa cho đến 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cụ Nguyễn Thị An đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì; gia đình được tặng Bằng "Gia đình có công với nước".
Ngôi nhà mang tên cụ Nguyễn Thị An đã được công nhận Di tích lịch sử của Hà Nội năm 2019, nâng lên thành Di tích cấp quốc gia năm 2022 và trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống ý nghĩa cho các thế hệ nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bà Công Thị Thu được tặng thưởng: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Danh hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô".
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nhung-nguoi-ke-su-cu-ba-va-di-tich-lich-su-gan-voi-nhung-ngay-toan-quoc-khang-chien-20241214002317471.htm
- [17/01/2025] Tài liệu Hỏi - Đáp Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045
- [01/01/2025] Đề cương tuyên truyền 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2025) và Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/2/1930 - 24/2/2025)
- [27/12/2024] Đề cương tuyên truyền kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- [14/12/2024] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
- [28/11/2024] ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
- [23/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NHA TRANG - KHÁNH HÒA KHÁNG CHIẾN (23/10/1945 - 23/10/2024)
- [18/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY BÁC HỒ ĐẾN VỊNH CAM RANH (18/10/1946 - 18/10/2024)
- [15/10/2024] CHỐNG LÃNG PHÍ