Phụ nữ chung sức cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Theo số liệu thống kê, trong số 18 chiến dịch của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công. Riêng chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, chiếm 50% số ngày công phục vụ. Đó là những nữ dân công hỏa tuyến, nữ nghệ sĩ, văn công, những cô y tá, những em gái, người vợ, người mẹ khắp nơi trên cả nước... đã góp công, góp của, gánh lương, tải đạn, ủng hộ kháng chiến, sát cánh cùng bộ đội viết nên "thiên sử vàng" mang tên Điện Biên Phủ. Chính thực dân Pháp cũng phải thừa nhận: "Các ông đã thắng vì các ông có dân, không những nam giới mà cả phụ nữ cũng có mặt ở tiền tuyến".
Điện Biên Phủ ở xa hậu phương, địa hình hiểm trở, thời gian chiến dịch kéo dài, thời tiết bất lợi. Địch tập trung lực lượng lớn không quân đánh phá các tuyến đường giao thông; ném bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm… chặn đường tiếp tế của ta. Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, hàng chục ngàn phụ nữ đã hăng hái tham gia vào các đội thanh niên xung phong, làm đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men ra chiến trường; tải thương, nuôi dưỡng thương binh…
Công binh và dân quân phối hợp mở đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Với khẩu hiệu "bảo vệ giao thông tuyệt đối", chị em dũng cảm làm việc ngay cạnh những quả bom nổ chậm, chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu… Nhiều chị xông pha giữa bom đạn để cứu hàng, ngụy trang hàng.
Trên tuyến vận tải thủy Lai Châu-Điện Biên Phủ, phải vượt qua hàng trăm thác ghềnh nguy hiểm, phụ nữ vẫn là người đảm nhiệm chủ yếu. Trong khi "rét rừng thấu đến xương tủy; mặc hết cả áo, đắp hết cả chăn mà đầu gối vẫn buốt", chị em chỉ có áo mỏng vẫn chở thuyền vượt qua các dòng thác. Có chị đã thức suốt 30 đêm, tay cầm đèn nến, chạy lên, chạy xuống một đoạn đường có 9 cái thác để hướng dẫn các đoàn thuyền đi-đến một cách an toàn. Tại hỏa tuyến, phụ nữ trèo đèo, lội suối vác đạn pháo 105 ly vào các trận địa. Có chị bị bom napan làm cháy cả mái tóc vẫn lao mình vào cứu các hòm đạn.
Không chỉ phụ nữ người Kinh mà phụ nữ các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mèo, Dao, Hoa, Puộc, Xá… cũng hăng hái tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, tải thương, làm hầm, dựng lán cho thương binh, đào hào chống xe tăng địch, phá cầu, chữa đường… Lần đầu tiên phụ nữ Mông, Khơ Mú xuống núi "tay xách, nách mang" nào lợn, gà, dê, ngô, khoai; phụ nữ Thái cũng rời xa bếp củi mang thóc gạo, muối, cá... ủng hộ bộ đội đánh giặc.
Dân công các dân tộc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954
Ở địa phương, trong khi hầu hết nam giới đã được động viên ra tiền tuyến thì mọi công việc lớn nhỏ khác phần lớn do phụ nữ gánh vác. Dù vùng tự do hay vùng tạm chiếm, miền xuôi hay miền ngược, đâu đâu chị em cũng một lòng chia lửa với chiến trường, tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho tiền tuyến; thi đua "giết giặc lập công", tham gia dân quân du kích, đấu tranh chống giặc bắt lính, làm công tác địch vận, biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị, tuyên truyền vạch trần mọi âm mưu thâm độc của kẻ địch, đấu tranh trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa… gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Tiểu biểu trong số các nữ du kích đã lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, kể đến các chị Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi và nhiều chị khác...
Ngoài lao động sản xuất, chị em còn tích cực vận động mọi người đóng góp của cải, vật chất cho chiến dịch, tặng quần áo ấm cho người đi dân công. Phụ nữ nông dân đã hưởng ứng nhiệt liệt chính sách của Ðảng và Nhà nước, bất chấp khó khăn về thiên tai, sự phá hoại và đàn áp của giặc bám làng bám ruộng để sản xuất tăng sản lượng thóc và nộp nhanh, nộp đủ thuế…
Dân công miền núi tải lương ra mặt trận Điện Biên Phủ
Không thể kể hết được những đóng góp to lớn của phụ nữ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều không thể phủ nhận, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phụ nữ luôn kề vai sát cánh góp phần làm nên những chiến công dân tộc.
70 năm đã trôi qua, nhiều phụ nữ tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã không còn nữa nhưng lịch sử dân tộc luôn ghi nhận những đóng góp phi thường của các chị. Họ chính là những người góp phần không nhỏ cho mốc son chói lọi - Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Đồng bào đan sọt tải lương thực phục vụ chiến dịch Tây Bắc, tháng 10/1952
Dân công tải đạn ra mặt trận Điện Biên Phủ
Dân công sửa đường để đưa thương binh về hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-chung-suc-cung-toan-quan-toan-dan-lam-nen-chien-thang-dien-bien-phu-20240501132450898.htm
- [17/01/2025] Tài liệu Hỏi - Đáp Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045
- [01/01/2025] Đề cương tuyên truyền 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2025) và Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/2/1930 - 24/2/2025)
- [27/12/2024] Đề cương tuyên truyền kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- [16/12/2024] Những người kể sử: Cụ bà và di tích lịch sử gắn với những ngày "Toàn quốc kháng chiến"
- [14/12/2024] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
- [09/04/2024] Tài liệu tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Vương
- [29/03/2024] Nhận dạng chiêu trò "đề cao để hạ bệ"
- [20/03/2024] Lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3
- [28/02/2024] HƯỞNG ỨNG "TUẦN LỄ ÁO DÀI" NĂM 2024
- [28/02/2024] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024)