Tài liệu tuyên truyền: Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại nhân dân
Nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), Ban Quốc tế - Hội LHPN Việt Nam xin gửi thông tin về Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại nhân dân để các cấp Hội tham khảo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong tư tưởng của Người về đối ngoại, đối ngoại nhân dân (ĐNND) luôn có vị trí rất quan trọng. ĐNND là cánh tay nối dài của đối ngoại Đảng, là một trong ba trụ cột của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Người đã nói về nghệ thuật công tác đối ngoại như sau:
“Cha ông ta đã tổng kết kinh nghiệm ngoại giao:
Mang chuông đi đánh đất người
Phải tìm cách đánh một hồi thật kêu
Muốn đánh kêu phải có chuông tốt. Chuông rè thì đánh mấy cũng rè. Chuông là sức mạnh của đất nước.Có chuông tốt, không biết đánh cũng hỏng. Trước hết phải tìm cách đứng cho vững.Chỗ đứng là lập trường giai cấp công nhân, lập trường dân tộc. Đánh chuông phải biết cách. Khi đánh mạnh, khi đánh nhẹ, khi đánh liên hồi, khi đánh từng tiếng một, để phối hợp cùng dàn nhạc… Cần phối hợp tốt các hoạt động để tăng cường hữu nghị. Người đánh chuông cần phải có phong cách nghiêm chỉnh, khiêm tốn, lễ độ, không co ro cũng không vênh váo.Mới cầm dùi chuông mà ai cũng mất cảm tình thì dù chuông tốt, đánh giỏi cũng không tranh thủ được lòng người”.
Lịch sử hình thành và phát triển của Hội LHPN Việt Nam trong hơn 90 năm qua không tách rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân, trong đó có công tác đối ngoại của Hội. Bác cũng chính là người đặt nền móng cho công tác đối ngoại nhân dân của phụ nữ Việt Nam với phụ nữ và nhân dân thế giới. Bác đã chỉ thị và giới thiệu cho Hội gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế từ rất sớm vào mùa thu năm 1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các nữ đại biểu Liên Xô và nước ngoài dự Đại hội 22 Đảng Cộng sản Liên Xô. Ảnh: TTXVN
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại nhân dân
Đối ngoại nhân dân của Việt Nam có cội nguồn từ những năm 20 của thế kỷ XX, thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp hoạt động chính trị đối ngoại, lúc đó vận động quốc tế là hoạt động đối ngoại nhân dân. Chính người đã nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của công tác quan trọng này và đặt công tác này vào mặt bằng mới về cả lý luận lẫn thực tiễn nhờ đó đã vận động được nhân dân thế giới ủng hộ đoàn kết với nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ đoàn kết với nhân dân ta chống Mỹ cứu nước.
Hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, đối ngoại nhân dân thực chất là công tác dân vận, vận động các đối tượng quần chúng nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại nhân dân dựa trên ba nguồn gốc chủ yếu: (1) Bản sắc và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, truyền thống ngoại giao của ông cha ta; (2) Tinh hoa văn hóa, văn minh của phương Đông, phương Tây và của toàn thể nhân loại. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin; (3) Kinh nghiệm chỉ đạo và hoạt động thực tiễn trong công tác đối ngoại của bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nội dung tư tưởng về đối ngoại nhân dân của Hồ Chí Minh:
1. Thêm bạn bớt thù, đoàn kết nhân dân trong nước gắn liền với đoàn kết nhân dân thế giới vì lợi ích chân chính của nhân dân ta và nhân dân thế giới.Trong công cuộc đổi mới hiện nay, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thêm bạn bớt thù và đoàn kết quốc tế, Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, thắt chặt quan hệ với các bạn bè truyền thống, nối dài vòng tay với các bạn bè, đối tác mới, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế theo tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển bền vững", củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
2. Kết hợp ngoại giao Nhà nước với công tác đối ngoại của Đảng và đối ngoại nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp.Ngày nay, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sức mạnh tổng hợp của ngoại giao, Đảng ta lãnh đạo về tổ chức kết hợp chặt chẽ ngoại giao với quốc phòng và an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật và văn hóa, chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, văn hóa đối ngoại; kết hợp chặt chẽ ba bộ phận hợp thành công tác đối ngoại chung.
3. Luôn luôn coi trọng, phát huy vai trò và lợi thế của công tác đối ngoại nhân dân.Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu hoạt động đối ngoại bằng hoạt động đối ngoại nhân dân khi Người tìm đường cứu nước, chỉ đạo và vẫn trực tiếp tham gia công tác đối ngoại nhân dân từ khi có Đảng và Nhà nước độc lập. Người cho rằng, quan hệ nhân dân với nhân dân luôn là cơ sở cho mối quan hệ giữa nước ta với các nước, là mối quan hệ bền vững và lâu dài, dù thái độ của chính phủ nước ta có quan hệ thay đổi thế nào thì quan hệ nhân dân ta với nhân dân nước đó vẫn không phai mờ hoặc mất đi.Công tác đối ngoại nhân dân có sức mạnh của nhân dân làm hậu thuẫn cho nên có lợi thế đặc thù. Lợi thế của đối ngoại nhân dân còn ở chỗ có thể sử dụng cả lý lẽ và tình cảm để thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; vận động dư luận nhân dân ta và nhân dân các nước lên tiếng phản đối các âm mưu hành động thù địch của các thế lực thù địch bên ngoài.
4. Có nội dung hoạt động phong phú, hình thức đa dạng và linh hoạt đồng thời đa dạng hóa quan hệ đối tác.
Công tác đối ngoại nhân dân và vận động quốc tế do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo trực tiếp có nội dung đặc biệt phong phú, có sức thuyết phục mạnh mẽ: làm rõ chính nghĩa, chống phi nghĩa, lấy nhân nghĩa chống bạo tàn, kêu gọi hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau...Trong tình hình mới, tư tưởng Hồ Chí Minh cần được vận dụng trong việc đổi mới các hình thức các hoạt động đối ngoại nhân dân không được quá lễ nghi, khô cứng, rập khuôn mà phải linh hoạt, đa dạng, phi hình thức tùy vào hoàn cảnh và đối tượng. Phương pháp phải mềm dẻo, nhẫn nại lấy thuyết phục là chính. Cần phát huy được phẩm chất tốt đẹp và bản sắc văn hóa của người Việt Nam, cần chú ý đến quan hệ giữa con người và con người trong quá trình giao tiếp và hợp tác, phải chân thành cởi mở và thẳng thắn trong thái độ và nghiêm túc trong công việc mới xây dựng được thiện cảm và tạo được niềm tin. Phương châm của công tác đối ngoại nhân dân là “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”.
5. Tập hợp lực lượng rộng rãi tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân
Như Người đã chỉ rõ, công tác đối ngoại nhân dân do nhiều lực lượng rộng rãi tham gia, bao gồm không chỉ các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật, các hội nghề nghiệp và rộng ra là nhân dân, mà còn cả các tổ chức của Đảng và các cơ quan nhà nước các cấp ngành, các lực lượng vũ trang (tiến hành với đối tượng và hình thức thích hợp).
Trong tình hình mới, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ra rằng công tác đối ngoại nhân dân cần chú ý thu hút, huy động quần chúng tham gia, đảm bảo tính quần chúng trong các hoạt động, tránh câu nệ hình thức quan liêu, hành chính. Muốn vậy, các hoạt động đối ngoại nhân dân cần tăng cường triển khai tại cấp cơ sở, địa phương, nơi tập hợp đông đảo nhân dân – đối tượng và cũng là chủ thể của công tác này. Và một điều quan trọng là các hoạt động đối ngoại nhân dân phải có những hình thức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của quần chúng để cuốn hút quần chúng tham gia.
Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và xác định công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới đây, đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - Tr. 161 - 162).
Nguồn:
- Cẩm nang về đối ngoại nhân dân dành cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 2016.
- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam,http://vufo.org.vn/Tu-tuong-cua-Chu-tich-Ho-Chi-Minh-ve-cong-tac-doi-ngoai-nhan-dan-49-4388.html?lang=vn, ngày 14/10/2020
- Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, ngày 14/12/2021
- [16/12/2024] Những người kể sử: Cụ bà và di tích lịch sử gắn với những ngày "Toàn quốc kháng chiến"
- [28/11/2024] ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
- [23/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NHA TRANG - KHÁNH HÒA KHÁNG CHIẾN (23/10/1945 - 23/10/2024)
- [18/10/2024] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY BÁC HỒ ĐẾN VỊNH CAM RANH (18/10/1946 - 18/10/2024)
- [15/10/2024] CHỐNG LÃNG PHÍ
- [16/05/2022] Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022)
- [16/05/2022] Tài liệu tuyên truyền, quán triệt và triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường
- [04/05/2022] Tài liệu tuyên truyền: Bản tin đối ngoại tháng 4/2022
- [28/04/2022] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 - 05/5/2022)
- [18/04/2022] Một số lưu ý trong lễ tân đối ngoại