Tuyên truyền về tác hại của ma túy và pháp luật phòng, chống ma túy
Như chúng ta đã biết, Ma túy là một trong những đại họa mà toàn nhân loại phải đối mặt và đang là vấn đề nhức nhối, ám ảnh xã hội Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Càng gần ma túy thì càng xa cuộc đời, đến với ma túy là đến với sự hủy diệt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tệ nạn khác, làm mất an ninh trật tự, gây tâm lý bất an trong nhân dân.
Vậy tác hại của ma túy đối với đời sống xã hội như thế nào:
Theo Tổ chức Liên hợp Quốc, ma túy là “các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”
Ma túy có nhiều loại như: Heroin, cần sa, ma túy đá, thuốc lắc, bóng cười, viên ma túy tổng hợp…, ma túy được đưa vào cơ thể qua các đường: Hút, hít, nhai, nuốt, tiêm chích… gây ra trạng thái nhiễm độc, lú lẫn tâm trí, phản ứng loạn thần, tổn thương lên hệ thần kinh trung ương gây nên những trạng thái tâm lý không ổn định, làm mất đi một số chức năng cơ bản vốn có của cơ thể, tạo thành những ảo giác mới lạ hoặc làm giảm cơn đau. Nếu sử dụng lâu sẽ gây ra sự lệ thuộc hay còn gọi là “nghiện”, khi ngừng hay không sử dụng tiếp, người nghiện sẽ bị các rối loạn hay còn gọi là “hội chứng cai thuốc” gây cơn vật vã dữ dội như: Tiêu chảy, nôn, đau mỏi, nhức cơ xương cảm giác khó chịu, tim đập hỗn loạn, không ăn, mất ngủ, sụt cân nhanh chóng… làm cho người nghiện đau đớn, khổ sở không chịu được buộc phải tiếp tục sử dụng ma túy. Có thể nói, ma túy hủy hoại sức khỏe, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại.
Tác hại của ma túy đối với bản thân người sử dụng
Đối với bản thân người sử dụng ma túy gân tổn hại về sức khỏe như hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Nghiện ma túy dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma túy mãn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Người nghiện ma túy bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột.
Với xã hội, ma túy làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng làm suy giảm kinh tế gia đình và đất nước. Ma túy là nguyên nhân làm nãy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (trộm, cướp, buôn bán ma túy….); là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc…).
Các giải pháp phòng, chống ma túy
Để công tác phòng, chống ma túy đạt hiểu quả thì mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cần nâng cao nhận thức về tác hại của các loại ma túy, đề cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm ma túy, cũng như tích cực tham gia vào việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma túy bằng các hành động thiết thực như:
- Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy;
- Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy;
- Khi phát hiện các hành vi mua bán, sử dụng, trồng cây có chứa chất ma túy cần báo ngay cho cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi gần nhất;
- Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh (nếu có sử dụng);
- Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng động; phòng, chống tái nghiện.
Từ ngày 1/1/2022, Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới rất quan trọng, sát với thực tiễn, cân bằng giữa “phòng” và “chống”, được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực cho công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới, như: Bổ sung khái niệm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm về ma túy” và “tệ nạn ma túy”; bổ sung khái niệm “Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này”; bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính cho phòng, chống ma tuý;…
Infographic: Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
Minh Hải - Tổng hợp
- [01/04/2025] Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (02/4/1975 - 02/4/2025)
- [01/04/2025] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
- [10/02/2025] Hướng dẫn cách tích hợp thông tin khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế vào sổ sức khỏe điện tử
- [17/01/2025] Tài liệu Hỏi - Đáp Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045
- [01/01/2025] Đề cương tuyên truyền 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2025) và Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/2/1930 - 24/2/2025)