Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu.
Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai...
Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như:
Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.
Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.
Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.
Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã.
Ngày 1/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.
Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập các tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta diễn ra ngày càng ác liệt, nhiều tổ chức phụ nữ được hình thành và phát triển tại các địa phương với các tên gọi: 1930 - 1935: Hội Phụ nữ Giải phóng; 1936 - 1938: Hội Phụ nữ Dân chủ; 1939 - 1941: Hội Phụ nữ Phản đế Đông Dương; 1941 - 1945: Đoàn Phụ nữ Cứu quốc.
Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra mắt trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Phụ nữ dân chủ, Hội Phụ nữ Phản đế.
Năm 1948, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới.
Giai đoạn 1945 - 1954: Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ cả nước vừa hăng hái tham gia phục vụ kháng chiến vừa tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Tăng gia và tiết kiệm”, “Ngày đồng tâm”, “Hũ gạo cứu quốc”, “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, ủng hộ Nam bộ kháng chiến… góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Giai đoạn 1954 -1975: Trong suốt 21 năm chiến đấu chống Mỹ đầy gian khổ, phụ nữ cùng nhân dân cả nước đã thể hiện ý chí quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm. Các tầng lớp phụ nữ đã đoàn kết, vừa tham gia xây dựng đất nước, vừa tham gia đấu tranh giành thống nhất nước nhà, tất cả vì Miền Nam ruột thịt. Trong phong trào thi đua, 7 vạn phụ nữ đã đạt danh hiệu “Phụ nữ 5 tốt”; gần 4 triệu phụ nữ đạt danh hiệu “Ba đảm đang”; 1.718 phụ nữ được nhận huy hiệu Bác Hồ…
Giai đoạn 1975 - 1985: Đất nước hoàn toàn thống nhất. Phụ nữ cả nước cùng chung sức khắc phụ hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng đất nước. Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trài thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phụ nữ khắp nơi trên cả nước đã thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, nuôi dạy con tốt, tổ chức tốt cuộc sống gia đình… Hàng triệu phụ nữ đạt danh hiệu “Người phụ nữ mới xây dựng bảo vệ Tổ quốc”.
Giai đoạn 1986 đến nay: Bước vào thời kỳ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiệm vụ giai đoạn mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. Các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ tích cực giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”… và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội đã thực sự thu hút đông đảo các tầng lớp chị em phụ nữ tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
(BTG-STTH)
- [17/01/2025] Tài liệu Hỏi - Đáp Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045
- [01/01/2025] Đề cương tuyên truyền 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2025) và Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/2/1930 - 24/2/2025)
- [27/12/2024] Đề cương tuyên truyền kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- [16/12/2024] Những người kể sử: Cụ bà và di tích lịch sử gắn với những ngày "Toàn quốc kháng chiến"
- [14/12/2024] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
- [16/10/2021] TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY BÁC HỒ ĐẾN VỊNH CAM RANH (18/10/1946 - 18/10/2021)
- [03/10/2021] Đề nghị người dân cài đặt ứng dụng PC-Covid để được cấp Thẻ Covid, QR cá nhân và sử dụng các tính năng phòng chống dịch Covid-19
- [30/09/2021] Triển khai kiểm soát người ra/vào địa điểm và truy vết bằng mã QR
- [23/08/2021] Đề cương tuyên truyền, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)
- [16/08/2021] Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021)