10 phép lịch sự tối thiểu cha mẹ cần dạy con trước 7 tuổi
Trước 7 tuổi con bạn đã cần phải biết những phép lịch sự tối thiểu nhất đối với một đứa trẻ. Muốn con ngoan, mẹ phải dạy bé 10 phép lịch sự dưới đây.
Một trong số những kỹ năng sống quan trọng trẻ cần được rèn luyện từ sớm đó là những phép lịch sự. Khi con tôn trọng người khác và cư xử có văn hóa thì trẻ cũng sẽ nhận lại những điều tương tự.
Dưới đây là 10 phép lịch sự tối thiểu cha mẹ nên dạy con trước 7 tuổi. Những phép lịch sự này sẽ theo con suốt đời, tạo nên nhân cách và phẩm chất đạo đức của con.
1. Con biết nói "vui lòng", "cám ơn", "xin lỗi" đúng cách
Những câu nói đơn giản như "vui lòng", "cám ơn", "xin lỗi" có ý nghĩa rất lớn trong đời sống giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng biết và dùng cho đúng ngữ cảnh. Cha mẹ hãy dạy trẻ nói "vui lòng" khi nhờ ai 1 việc gì đó, "cảm ơn" khi người khác đã giúp đỡ những yêu cầu của mình và nói "xin lỗi" khi trẻ làm sai. Vì những câu nói này khá đơn giản nên dễ bị bố mẹ xem nhẹ nhưng thực tế thì đây chính là một trong những cách cơ bản nhất để thể hiện sự tôn trọng người khác.
2. Không chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào người đối diện
Khi đang nói chuyện với người khác, nhất là người lớn tuổi hơn, việc chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào họ là rất mất lịch sự. Trẻ nhỏ còn vô tư, chưa ý thức được điều này. Chính vì vậy cha mẹ cần nói với trẻ. Cách tốt hơn là cho con thử trải nghiệm cảm giác khó chịu đó. Khi con đã hiểu và biết được cảm giác này, con sẽ nhớ và không hành động như thế nữa.
3. Không cắt ngang câu chuyện của người khác đang nói
Khi một người đang nói mà có ai đó xen vào, bản thân họ sẽ cảm thấy khó chịu, không được tôn trọng. Khi cha mẹ đang dạy con cái, mà chúng cứ cãi tràn đi. Chắc hẳn phụ huynh cũng không thể chịu được sự bực bội mà la mắng, thậm chí sẽ đánh đòn để răn đe con.
Vì vậy hãy dạy con cái biết tôn trọng người khác. Việc đó cũng chính là tôn trọng chính mình. "Người nói phải có kẻ nghe", nếu ai cũng muốn xen chân vào câu chuyện, chắc chắn sẽ dẫn đến cãi nhau. Nếu trong trường hợp buộc ρhải cắt ngang thì thay vì hét lớn để gây sự chú ý của người khác thì hãy chỉ cho trẻ cách xin phép được có ý kiến hoặc cắt lời.
4. Không bình phẩm chê bai người khác
Ngoài việc dạy cho con tôn trọng câu chuyện của người khác, cha mẹ cũng nên dạy trẻ lịch sự khi nhìn nhận, đánh giá 1 người, nhất là ngoại hình của họ. Có nhiều trường hợp không được may mắn như con, họ sinh ra đã bị khuyết tật, hoặc có mảnh đời bất hạnh,... Việc con trêu đùa, bình phẩm... khuyết điểm của họ là không đúng. Việc đó sẽ khiến họ bị tổn thương, uất ức.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dạy con sự khiêm tốn, biết cảm thông, nhường nhịn người khác. Không ít những trường hợp được bố mẹ nuông chiều, nên các bé tự cho mình là "công chúa", "hoàng tử", sống kênh kiệu, chê bai những đứa trẻ có điều kiện kinh tế gia đình kém hơn. Đây là cái sai của cha mẹ, sẽ cho trẻ sự ám ảnh về ngoại hình và hình thành cho trẻ thói quen "nhìn mặt bắt hình dong" như ông bà ta vẫn nói.
5. Trả lời điện thoại đúng cách
Trẻ em ngày nay được làm quen với điện thoại từ rất sớm. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng được bố mẹ dạy cho cách trả lời điện thoại đúng mực. Vì vậy trẻ cần học cách trả lời điện thoại sao cho lịch sự.
Đối phương thường sẽ là những người lớn tuổi hơn nên câu đầu tiên mà trẻ cần phải nói sẽ là "Alo ạ", khi biết trước người gọi là ai thì trẻ có thể nói luôn: "Cháu chào…. ạ", "Bố/mẹ cháu đang bận, … có cần nhắn gì không ạ",…
Đây đều là những câu nói khá đơn giản, dễ nhớ và dễ thực hiện kể cả khi trẻ còn rất nhỏ.
6. Luôn gõ cửa hoặc hỏi ý kiến trước khi vào phòng
Hãy dạy cho trẻ biết, mỗi người đều có sự riêng tư và cần được tôn trọng. Khi con muốn bước vào thế giới của ai đó con cần được họ cho phép. Tương tự như việc khi muốn vào phòng mà trong đó có người, con nên gõ cửa và xin phép trước khi vào.
7. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
Đây cũng là 1 phép lịch sự trẻ cần phải học nhưng bố mẹ thường hay quên dạy bảo. Khi ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn sẽ theo ra. Nếu con ho hoặc hắt hơi vào mặt người khác, điều này sẽ gây khó chịu cho họ. Chưa kể việc có thể lây bệnh. Vì vậy hãy dạy trẻ điều này ngay nhé.
8. Lịch sự khi ăn uống
Kỳ thực, trẻ nhỏ thường rất hiếu động nên thích ngồi những tư thế mà con cảm thấy thoải mái như gác chân lên ghế, vừa quỳ vừa ăn, ngồi xổm khi ăn... Do đó, bố mẹ nên rèn cho con ngồi đúng tư thế khi ăn từ nhỏ, vì những tư thế trên rất có hại cho việc tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, việc ngồi ăn đúng tư thế sẽ giúp con có hình ảnh tốt đẹp hơn trong mắt người khác.
Nhiều đứa trẻ được bố mẹ chiều chuộng, nhà có gì ngon cũng đưa con ăn trước tiên. Thành ra trẻ sẽ có thói hư khi đi đến đâu đó ăn uống. Chúng nghiễm nhiên coi đồ ngon trên bàn kia là dành cho chúng và không nghĩ đến người xung quanh. Khi không được đáp ứng trẻ quay ra ăn vạ, khóc lóc,...
Vì vậy cha mẹ hãy dạy con lịch sự trong việc ăn uống. Trước khi ăn nên rửa tay, mời người lớn. Khi ăn cần ăn từ từ, gắp thức ăn cho vào bát, không gảy, hoặc đào bới đĩa thức ăn để chọn miếng ngon. Khi ăn không để cơm, đồ ăn vương vãi ra chỗ ngồi, khi múc canh cần đặt đũa của mình xuống mâm rồi mới múc. Môi múc canh sau khi dùng xong cần úp xuống để không vướng tay người khác. Khi ăn không cười đùa, nô nghịch, không nghịch thiết bị điện tử khi ngồi vào bàn ăn, không dùng đầu đũa mình đang ăn để gắp thức ăn cho người khác...
Một phép lịch sự nữa khi ăn cần được dạy trẻ đó là không nhai chóp chép. Ngoài ra khi ăn xong con cần dọn dẹp, rửa chén bát. Bé 4 – 5 tuổi bố mẹ nên dạy cho trẻ cách tự rửa chén bát của mình dưới sự giám sát của bố mẹ.
9. Khi con ngủ dậy cần gấp chăn màn
Nhiều bé ngủ chung với bố mẹ nên khi thức dậy cha mẹ sẽ làm việc này thay con. Thành ra trẻ không ý thức được việc phải dọn dẹp lại giường ngủ khi thức dậy.
Cha mẹ hãy dạy con tự gấp chăn màn, để đúng nơi quy định. Việc dọn dẹp gọn gàng phòng ngủ của mình, con cũng sẽ có ý thức hơn. Sau này nếu có ngủ ở nhà người khác, con cũng sẽ nhớ gấp chăn gối cho gọn gàng trước khi đi.
10. Không nói trống không, không nói tục chửi thề
Trẻ em chưa thể ý thức được lời nói của mình, vì vậy cha mẹ nên dạy con những từ ngữ nào không được phép nói. Khi nói chuyện với người khác, nhất là người lớn tuổi hơn con cần dùng kính ngữ ra sao...
Để trẻ làm được việc này, cha mẹ cũng nên làm gương cho con. Cha mẹ thường xuyên nói tục, không tôn trọng người khác thì trẻ sẽ bắt chước theo.
Theo https://phunuvietnam.vn/10-phep-lich-su-toi-thieu-cha-me-can-day-con-truoc-7-tuoi-222022277233750160.htm
- [15/10/2024] Ninh Thân: đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”
- [03/10/2024] Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cam Ranh: đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026
- [29/09/2024] Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa tổ chức gặp mặt, giao lưu cán bộ Hội cấp tỉnh, cấp huyện
- [28/09/2024] Vạn Ninh: Phụ nữ thực hiện các tuyến đường xanh - sạch - đẹp
- [26/09/2024] Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên: Bàn giao nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ hộ cận nghèo
- [27/07/2022] Các cấp Hội tổ chức hoạt động tri ân nhân kỷ kiệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022)
- [25/07/2022] Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ ( 27/7/1947 - 27/7/2022 ): Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sĩ
- [23/07/2022] Ngày hội Phụ nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản
- [22/07/2022] Hội LHPN phường Ninh Hải: kết nối tổ chức Chương trình “Áo trắng yêu thương”
- [22/07/2022] Khánh Vĩnh: Tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ “ năm 2022