Để phụ nữ khẳng định mình - Kỳ cuối: Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển trong mọi lĩnh vực
Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh về các nội dung liên quan.
Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
- Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của phụ nữ đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua?
- Thời gian qua, bối cảnh thế giới và trong nước có không ít khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh vẫn duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong thành công chung của sự phát triển ngày càng đi lên của tỉnh, có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh. Phụ nữ trong tỉnh ngày càng phát huy tinh thần lao động sáng tạo, khát vọng vươn lên, khẳng định vai trò của mình trong xã hội. Lao động nữ đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển của tỉnh trên mọi lĩnh vực, địa bàn; thậm chí chiếm đa số trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội. Chất lượng của lực lượng lao động nữ không ngừng được nâng cao, thể hiện qua trình độ học vấn, tay nghề, vị trí, việc làm và thu nhập trong xã hội. Tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều nữ doanh nhân đã khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển quê hương, đất nước và của tỉnh.
- Thời gian qua, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách gì để tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng của mình đóng góp cho xã hội, nhất là những phụ nữ làm ở vị trí lãnh đạo, quản lý, thưa ông?
- Có thể nói, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; triển khai sâu rộng đến các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao nhận thức, kỹ năng, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; kêu gọi toàn xã hội chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28, ngày 3-3-2021 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; các mục tiêu, chương trình, kế hoạch công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Với nhiều giải pháp đề ra, đến nay, tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác bình đẳng giới như: Các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm mới cho phụ nữ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ; chỉ tiêu về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm và trong gia đình có chuyển biến nhanh, tích cực. Cuối năm 2023, số lao động có việc làm tăng thêm 17.440 người (đạt 151% kế hoạch năm); toàn tỉnh có 299 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 290% kế hoạch năm), trong đó lao động nữ chiếm khoảng 51%. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt hơn 97,5%; hoàn thành cấp THCS đạt 97,4%; tỷ lệ trẻ em gái trong độ tuổi biết chữ đạt 99,1%. Công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm tại gia đình, cộng đồng, số người bị bạo lực gia đình được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản đạt tỷ lệ 93,75%.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ; mỗi chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn đào tạo bồi dưỡng đều có cán bộ nữ tham gia với tỷ lệ trên 50% so với khóa đào tạo. Năm 2023, có 23 cán bộ nữ/78 cán bộ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 263 cán bộ nữ/523 học viên được đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; có 4 đồng chí nữ/48 đồng chí được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đối tượng 2. Hiện nay, có 9 cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, chiếm tỷ lệ 18,4%, chưa có nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cấp tỉnh có 178 đồng chí, trong đó có 32 nữ; cấp huyện, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc có 132 đồng chí, trong đó có 19 nữ. Toàn tỉnh hiện có 1.071 cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó nữ lãnh đạo, quản lý là 295 người, chiếm tỷ lệ 27,54%.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cam Lâm trao phương tiện sinh kế hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
- Được biết, thời gian qua, tỷ lệ nữ tham gia công việc lãnh đạo, quản lý của các sở, ban, ngành của tỉnh tăng hơn so với trước, song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Ông có ý kiến gì về kết quả này?
- Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt mục tiêu về lĩnh vực chính trị “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng được quan tâm đẩy mạnh. Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ bằng các hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, thu hút đông đảo sự quan tâm, chú ý của các tầng lớp nhân dân, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhờ vậy, phụ nữ ngày càng tự tin, mạnh dạn khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ngày một tăng. Cuối năm 2023, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đạt 23,29%; đến tháng 6-2024, con số này đã tăng lên 27,54%. Nhìn chung, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thấp so với chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ. Nhưng, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, tạo điều kiện cho nữ giới tham gia chính trị qua từng năm đã có sự chuyển biến tích cực rõ nét. Hiện nay, bình quân mỗi đơn vị, địa phương trong tỉnh có tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo đạt từ 15% trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, đạt 60% các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh và UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
- Theo ông, những khó khăn, vướng mắc nào là rào cản cho sự phát triển và khẳng định vị thế của phụ nữ hiện nay?
- Trong xã hội hiện đại, phụ nữ có nhiều cơ hội để khẳng định khả năng và tài năng của mình trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn gặp phải định kiến giới về vai trò, năng lực của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý. Nhận thức của một bộ phận xã hội, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn xem nhẹ về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, khiến cho phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi, vẫn là người yếu thế trong cộng đồng. Bên cạnh đó, một bộ phận chị em có nơi, có lúc còn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại, lệ thuộc vào nam giới; chưa chủ động phát huy vai trò và thiên chức của mình trong những công việc chung, cũng như tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
- Để phụ nữ tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh, theo ông, cần thực hiện những giải pháp gì?
- Nhằm phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên và xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, theo tôi cần thực hiện các giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng sâu rộng vào đời sống chính trị thông qua nhiều kênh như: Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong công tác cán bộ; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhất là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ; triển khai công tác phụ nữ sát hợp với từng đối tượng, từng địa phương. Thứ hai, đối với mỗi chị em phụ nữ cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng mới, kỹ năng số để thích ứng với quá trình chuyển đổi số.
Hiện nay, quá trình số hóa đang tăng tốc, thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội làm thay đổi cách chúng ta sống, giao tiếp, làm việc; cách chúng ta quản lý, điều hành, giải quyết các công việc không chỉ ở cơ quan mà cả trong gia đình. Vì thế, thay đổi nhận thức và thói quen hành động, trang bị cho mình những kỹ năng số trở thành yêu cầu cấp bách để phụ nữ Việt Nam phát huy tốt hơn nữa vai trò, sức đóng góp của mình trong kỷ nguyên số, tiến lên cùng với quá trình phát triển của đất nước.
- Xin cảm ơn ông!
C.TƯỜNG - H.NGÂN (Thực hiện)
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202409/de-phu-nu-khang-dinh-minh-ky-cuoi-tao-dieu-kien-de-phu-nu-phat-trien-trong-moi-linh-vuc-c637722/
- [12/02/2025] Vạn Phú: Hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn
- [05/02/2025] Tọa đàm về phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo trong thực hiện bình đẳng giới
- [07/01/2025] Chị Đặng Thị Thừa – Người Phụ nữ làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống
- [05/01/2025] Vốn vay giải quyết việc làm tạo sức bật cho Hội viên Phụ nữ xã Diên Đồng
- [21/12/2024] Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện dự án 8
- [15/09/2024] Duy trì và thành lập các Câu lạc bộ dân vũ tạo sân chơi bổ ích cho chị em hội viên, phụ nữ
- [14/09/2024] Mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”
- [14/09/2024] Tiếp sức cho trẻ em thôn khó khăn đến trường vào năm học 2024-2025
- [14/09/2024] Diên Khánh: Trung thu yêu thương cho trẻ em dân tộc có hoàn cảnh khó khăn
- [14/09/2024] Để phụ nữ khẳng định mình - Kỳ 2: Nhiều đóng góp, nhưng vẫn còn rào cản