Hội LHPN xã Diên Điền triển khai hiệu quả mô hình trồng rau an toàn

|

Rau xanh là nguồn thực phẩm không thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta nhưng trong thời gian qua, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

 Vì vậy Hội LHPN xã Diên Điền đã thành lập mô hình “Trồng rau an toàn” do chị Huỳnh Thị Ngọc Huệ làm chủ nhiệm. Ban đầu có 12 hộ gia đình hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện mô hình. Đến nay, qua 5 năm hoạt động mô hình đã kết nạp thêm 10 thành viên nâng tổng số thành viên 22 chị, với tổng diện tích là 4 ha trồng các loại rau như : Mồng tơi, cải , bồ ngót….

Tham gia thực hiện mô hình này, chị em còn được Hội phụ nữ xã giới thiệu tham gia các lớp tập huấn, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc rau, củ quả an toàn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả do hội khuyến nông huyện tổ chức. Ngoài ra, Hội phụ nữ xã còn tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội huyện Diên Khánh tạo điều kiện cho chị em vay nguồn vốn giải quyết việc làm, mỗi chị vay từ 20 đến 30 triệu đồng. Hội phụ nữ xã thường xuyên vận động các thành viên trong tổ cần chịu khó chăm sóc, dùng lượng phân thuốc đúng quy định có thể  hạn chế được sâu bệnh và đem lại năng suất cao. Bên cạnh đó, các chị trong tổ còn lắp đặt hệ thống nước tưới tự động, khoa học kĩ thuật vào sản xuất nhằm giảm sức lao động, chi phí đầu tư, tăng giá trị thu nhập cho hội viên phụ nữ. Mô hình này cũng đã giải quyết việc làm cho 70 lao động địa phương, nhất là hội viên phụ nữ. Ngoài ra, trồng rau màu các chị vẫn xen canh trồng các loại như Bầu, bí chanh, cà chua…

Để mô hình phát huy hiệu quả, khi đi vào hoạt động, tổ luôn thực hiện theo đúng quy chế, các hội viên tham gia mô hình được tập huấn đầy đủ. Sau hơn 9 năm thực hiện, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được việc làm cho nhiều chị em phụ nữ và có thêm thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.  

Mô hình trồng rau Diên Điền.png (949 KB)

Mô hình trồng rau an toàn

Đồng thời, sản phẩm rau an toàn có sức cạnh tranh trên thị trường, cung cấp ra thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng; góp phần phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội của địa phương. Ngoài  ra các chị thực hiên tốt cuộc vận động xây dựng “ Gia đình 5 không, 3 sạch”; 100% các thành viên, lao động trong tổ tích cực vận động người thân và gia đình trồng rau an toàn, đảm bảo sức khỏe và giữ gìn môi trường xung quanh, không vì lợi nhuận mà bán sản phẩm kém chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng làm cho môi trường xanh, sạch đẹp

Từ chỗ chị em ít quan tâm trồng rau trong vườn để cải thiện bữa ăn, đến nay, việc trồng rau đã trở thành thói quen của chị em. Những hộ có nhiều đất thì trồng rau bán quanh năm, hộ đất ít cũng trồng rau đủ ăn trong gia đình, vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể thấy, mô hình "Trồng rau an toàn" của Hội phụ nữ Diên Điền đã khẳng định được hiệu quả thiết thực, bằng việc nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người dân ở địa phương. Và quan trọng hơn hết là qua mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế gắn với vấn đề sức khỏe, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau an toàn để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

 Trần Thị Trinh