Không được chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19

|
Chiều 9-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan, TP Hà Nội
và TP Hồ Chí Minh ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, gần bốn tỷ người của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức gần 50% dân số thế giới đang được yêu cầu ở nhà để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Nhiều nước đã thực hiện nhiều biện pháp hết sức mạnh mẽ, quyết liệt, kể cả xử lý hình sự nếu ra đường phố không đúng quy định. Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong PCD từ rất sớm. Hiện nay, có tình trạng lây lan một số trong cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt, đạt kết quả đáng mừng, sẽ kiểm soát tốt nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Cần chủ động thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn. Thủ tướng yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg; xử phạt nghiêm những ai không thực hiện. Chúng ta biểu dương những người dân, đơn vị tập thể thực hiện nghiêm Chỉ thị và phê phán những cá nhân, tập thể vi phạm. Không được chủ quan đối với dịch Covid-19 như một số nước vấp phải.

Về các giải pháp chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta kiên định đường lối ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả trong từng thời điểm; có thể thay đổi chiến thuật ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định chiến lược. Thực tế chứng minh chúng ta đã đi đúng hướng. Áp dụng đúng thời điểm, tăng dần mức độ, cho nên có thành công ban đầu quan trọng. Về ngăn chặn nguồn xâm nhập bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16, đó là tiếp tục giữ chặt biên giới, hạn chế không cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh trừ một số trường hợp đã được nêu trong các văn bản trước đây. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay; tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ các trường hợp chở hàng và công tác bảo hộ công dân được phép của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa. Tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam ở các nước không về nước trước ngày 15-4 trừ một số trường hợp đặc biệt. Mọi đối tượng nhập cảnh đều phải cách ly; Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện các chính sách bảo hộ công dân phù hợp hoàn cảnh đất nước. Bộ Y tế mở các kênh tư vấn bảo vệ sức khoẻ cho bà con đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài qua hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đối với cách ly toàn xã hội (CLXH). Các địa phương cần chấn chỉnh thực hiện CLXH với biện pháp mạnh mẽ không “quá tả” trong thực hiện hay “quá hữu” buông xuôi. Bảo đảm huyết mạch hàng hóa lưu thông, kiểm soát chặt chẽ con người. Các lực lượng chức năng và các tỉnh biên giới tiếp tục đẩy mạnh thông quan hàng hoá, tạo điều kiện cho hàng hoá qua biên giới thuận tiện. Yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện CLXH như không đeo khẩu trang; không đứng cách xa hai mét với người khác, không có việc cần thiết vẫn ra đường... Khi nào giãn CLXH sẽ thông báo sau. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế có nhận định đánh giá tình hình chính xác để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào phiên họp sau. Sau ngày 15-4, chúng ta sẽ quyết định những biện pháp cụ thể sau.

Để chuẩn bị tốt thực hiện cách ly, Thủ tướng đề nghị cần rút ra bài học thành công giai đoạn một, tiếp tục triển khai chặt chẽ, nghiêm theo hướng của Ban Chỉ đạo. Lực lượng quân đội, các địa phương chuẩn bị sẵn các vị trí cách ly, các kịch bản điều hành khu cách ly; huấn thị cho các lực lượng làm nhiệm vụ này trên địa bàn để không bị động trong thực hiện. Bộ Y tế có hướng dẫn cách ly cho các nhóm đối tượng khác nhau phù hợp. Việc phát hiện sớm khoanh vùng, dập dịch là yêu cầu cấp bách; việc tự khai báo trung thực về y tế của cá nhân liên quan là vấn đề cần đặt ra. Các cấp đặc biệt là ngành y tế cần tiếp tục phát hiện các ca bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm bảo đảm các tỉnh, thành phố phải thực hiện xét nghiệm theo phương châm “bốn tại chỗ”. Rút kinh nghiệm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần thay đổi chiến lược xét nghiệm cho phù hợp, coi các ca bệnh đều là ca nguyên phát trong cộng đồng. Không chủ quan trong phán đoán mà cần hành động ngay để khoanh vùng, dập dịch. Bộ Y tế có quy trình chặt chẽ, kịp thời về vấn đề này,

Về tập trung điều trị, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế phổ biến, ứng dụng các phác đồ điều trị mới nhất, tốt nhất; tập trung huấn luyện chuyên môn, tập huấn sử dụng máy thở cho các tuyến, bảo đảm đầy đủ thuốc men khi dịch xảy ra trên diện rộng. Trước mắt, Bộ Y tế tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc điều trị Covid-19; có cơ số nhập khẩu thuốc nguyên liệu chuyên sâu cần thiết phục vụ công tác điều trị. Tiếp tục thực hiện phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở y tế; chú trọng phòng ngừa lây nhiễm cho các nhân viên y tế để bảo toàn lực lượng y tế trong tương lai phục vụ chống dịch. Bộ Y tế hướng dẫn cách ly với nhân viên y tế nếu dịch xảy ra quy mô lớn hơn để bảo đảm có đủ nhân viên y tế làm việc.

Tập trung phát triển mạnh trang thiết bị, dụng cụ y tế. Đây là thời cơ cũng là thách thức đối với các ngành sản xuất trang thiết bị y tế; chỉ đạo sản xuất máy thở chủ động hơn. Hy vọng chúng ta sẽ có ngành công nghiệp sản xuất máy thở. Việt Nam đã tự sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, giúp chủ động trong xét nghiệm và điều trị, đó cũng là cơ hội xuất khẩu sinh phẩm xét nghiệm. Khi đứt chuỗi cung ứng toàn cầu thì chủ động nguồn cung là giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất. Các ngành y tế, công thương và các ngành khác coi đây là thời cơ để tập trung chỉ đạo hơn nữa. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong PCD, nhất là việc giúp đỡ Lào, Campuchia và một số nước khác khi cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu, sinh phẩm chẩn đoán, các trang thiết bị y tế khác, nghiên cứu trong điều trị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các nhà khoa học đã hết sức nhạy bén, nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin công khai, minh bạch về các giải pháp PCD Covid-19 để người dân yên tâm; tuyên truyền đúng mức, không lạc quan quá, không gây hoang mang; chống dịch là chính chứ không để phải “chống giặc cả trên mạng”. Tập trung tuyên truyền tập trung vào các nhóm đối tượng: y bác sĩ; công an; quân đội, kể cả bộ đội biên phòng; những tấm lòng nhân ái. Khi khó khăn, nhân dân đồng tâm hiệp lực. Đó là phẩm chất quý giá, tuyệt vời của dân tộc ta. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Điều này có vai trò quan trọng của nền kinh tế số. Đây cũng là thời cơ phát triển cách mạng công nghệ 4.0 ở Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cần đẩy mạnh phát triển các ứng dụng tiện ích cho người dân, ứng dụng CNTT trong PCD. Thủ tướng biểu đương những lực lượng làm công tác CNTT chung tay với lực lượng PCD; biểu dương các nhà mạng đã có chính sách hỗ trợ người dân trong PCD.

Về việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài PCD, Thủ tướng đề nghị vận động bà con yên tâm ở lại nước sở tại. Chính phủ sẽ xem xét tổ chức các chuyến bay thương mại sau ngày 15-4 để đưa công dân Việt Nam có nhu cầu về nước, trong đó ưu tiên đối tượng học sinh, sinh viên dưới 18 tuổi, người lớn tuổi, người đi chữa bệnh đã hết hạn phải về nước, người thăm thân, du lịch bị mắc kẹt, kết hợp chở vật tư y tế hỗ trợ cộng đồng. Bộ Ngoại giao chủ trì cùng với các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Quốc phòng, Công an phối hợp chọn lọc, đưa ra tiêu chí chọn đối tượng về nước; trong đó trước hết xử lý một số khu vực bức xúc hiện nay như Anh, Nhật Bản, Singapore... Đối với một vài điểm khác, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đưa ra tiêu chí cụ thể để đề xuất các cơ quan trên. Tất cả mọi đối tượng về đều phải cách ly chặt chẽ, không để lây lan dịch bệnh từ nguồn này.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cho biết, về triển khai khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp chuyển đổi số đang gấp rút hoàn hiện giải pháp và triển khai thử nghiệm nền tảng dùng chung trên nền công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn… nhằm kết nối toàn diện các cơ sở khám chữa bệnh với người dân trên phạm vi toàn quốc phục vụ khám chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng quản lý, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại một số bệnh viện trước 16-4, sau đó mở rộng triển khai toàn quốc từ ngày 18-4. Về nghiên cứu khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đã thúc đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học trong phòng, chống dịch Covid-19; các nghiên cứu theo các hướng chính: dịch tễ học và sinh học phân tử; Dự phòng và điều trị dự phòng; các phác đồ điều trị; sản xuất sinh phẩm chẩn đoán.

Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của giãn cách xã hội để người dân hiểu đúng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg và chủ đề “Ở nhà vẫn vui”; lên án các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch, vi phạm trật tự an toàn xã hội trong lúc cả nước đang chống dịch; về những hoạt động và sự nỗ lực của cán bộ y tế, cán bộ chiến sĩ tổ chức cách ly cho người dân; tuyên truyền về kết quả điều trị khỏi các bệnh nhân Covid-19.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         Theo: http://tinhuykhanhhoa.vn/