Làm giàu nhờ sản xuất lưới
Không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng nhờ sản xuất lưới, bà Lê Thị Hiếu (sinh năm 1975, trú thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) còn giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương.
Bà Hiếu làm giàu từ nghề sản xuất lưới.
Năm 16 tuổi, bà Hiếu theo anh trai từ tỉnh Bình Định vào Khánh Hòa lập nghiệp. Tuy xuất thân từ gia đình thuần nông nhưng sinh sống ở nơi người dân làm nghề biển nên những ngày đầu bà gặp nhiều khó khăn. Bà cùng anh trai bán nước mía, tích góp từng đồng để chi tiêu qua ngày. Năm 18 tuổi, bà xây dựng mái ấm riêng. Chồng bà là dân biển nên gia đình chỉ dựa vào nguồn thu nhập chính từ việc đánh bắt hải sản. Nghề biển bấp bênh nên ngoài nội trợ, bà còn buôn bán hải sản để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Quan sát thấy đầm Nha Phu có khu vực nước sâu, sạch và được bao bọc bởi núi, tránh được bão, gió mạnh nên vợ chồng bà mạnh dạn dùng tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để đầu tư nuôi thủy sản. Ban đầu, gia đình bà nuôi tôm hùm, sau đó nuôi cá bớp, cá chim, cá mú… Nhờ chịu thương chịu khó, không ngại khổ, vợ chồng bà có tiền để trả bớt nợ, lo cho con cái ăn học và xây nhà. Cùng với đó, thấy người dân địa phương làm lưới để đi đánh bắt, bà học hỏi rồi tập tành làm theo. Bà Hiếu nói: “Tuy có nghề làm lưới nhưng chủ yếu người dân phục vụ cho việc đánh bắt của mình. Còn tôi nghĩ rằng cần phải mở rộng sản xuất để bán ra ngoài thị trường, đồng thời giữ nghề truyền thống của địa phương”. Nghĩ là làm, năm 2004, bà cùng chồng bắt đầu với nghề làm lưới thủ công và bán cho người có nhu cầu trong làng, trong tỉnh. Thương hiệu “Lưới Việt Nam” của gia đình bà bắt đầu từ đó.
Việc sản xuất lưới giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng vì đam mê, muốn gìn giữ nghề truyền thống và có thêm thu nhập nên bà vẫn quyết tâm thực hiện. Từ góp ý của khách hàng, bà suy nghĩ và tìm cách hoàn thiện sản phẩm ngày một tốt hơn. Chính nhờ chất lượng sản phẩm nên ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến. Đó cũng là động lực để bà tiếp tục theo nghề. Để cho ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng tốt hơn, năm 2010, bà đi miền Tây học cách làm lưới bằng máy. Sau khi về, bà mở xưởng sản xuất rộng khoảng 300m2, nhập 4 máy dập chì về làm. Nhờ đó, năng lực sản xuất nâng lên, việc kinh doanh cũng dần phát triển. Năm 2018, bà tiếp tục đầu tư thêm một xưởng sản xuất với diện tích 200m2 cùng 11 chiếc máy để làm. Các sản phẩm chủ yếu là lưới cá, lưới ghẹ, lưới mực với nhiều kích cỡ khác nhau. Mỗi tháng, cơ sở xuất bán từ 500 đến 1.000 tấm lưới các loại, với giá từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/tấm. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu về khoảng 30 triệu đồng/tháng. Ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm lưới của cơ sở còn bán ra nhiều nơi trong cả nước như: Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Ninh Thuận, các tỉnh phía bắc… “Tôi đặt chất lượng lên hàng đầu nên sản phẩm làm ra được khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Khách hàng tìm đến mua lưới chủ yếu thông qua việc người này giới thiệu cho người khác. Bên cạnh đó, tôi cũng dùng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm”, bà Hiếu nói.
Bà Hiếu (người đứng đầu bên trái) cùng chị em tham gia các hoạt động hội tại địa phương.
Hiện nay, cơ sở sản xuất lưới giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương, trong đó một nửa lao động là nữ, với mức thu nhập từ 8 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Bà Trần Thị Ngọc Phụng (sinh năm 1989, trú thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích), chia sẻ: “Trước đây, tôi làm móng tay, móng chân cho khách nhưng thu nhập không nhiều. Sau đó, tôi vào làm lưới tại cơ sở của bà Hiếu, công việc ổn định hơn. Với mức thu nhập từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng, tôi có thêm tiền để trang trải cuộc sống”. Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Hiếu còn là hội viên nòng cốt của Hội Phụ nữ xã. Bà cùng phụ nữ trong thôn nấu cơm chay hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng; tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm; tham gia các câu lạc bộ thể dục, thể thao… góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà ĐẶNG THỊ THÚY HÀ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Ích: Bà Hiếu là gương điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, tạo động lực cho nhiều chị em ở địa phương phấn đấu vươn lên. Bà còn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào của phụ nữ. Trong đó, bà vận động chị em không vay "tín dụng đen" mà tham gia các hoạt động tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, tiếp cận nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh của Hội Phụ nữ xã để giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Châu Tường
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202403/lam-giau-nho-san-xuat-luoi-8760650/
- [12/02/2025] Vạn Phú: Hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn
- [07/01/2025] Chị Đặng Thị Thừa – Người Phụ nữ làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống
- [05/01/2025] Vốn vay giải quyết việc làm tạo sức bật cho Hội viên Phụ nữ xã Diên Đồng
- [04/12/2024] Khối thi đua Công đoàn Mặt trận - Đoàn thể tỉnh: Tổng kết công tác công đoàn năm 2024
- [03/12/2024] Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- [02/07/2024] Người cán bộ Hội gương mẫu, tâm huyết với hoạt động tín dụng ngân hàng chính sách xã hội
- [02/07/2024] Ninh An tổ chức tặng quà cho trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi tại Trung tâm bảo trợ xã hội
- [01/07/2024] Bà Trịnh Thị Hồng Vân giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa
- [01/07/2024] “Tháng hành động về phòng chống bạo lực gia đình và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh năm 2024
- [29/06/2024] Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ huyện Khánh Sơn lần thứ X, nhiệm kỳ 2021- 2026