Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Nội dung câu hỏi:
Người lao động, chủ yếu là lao động nữ bị quấy rối tình dục khi làm việc vẫn xảy ra, là điều bất an cho lao động và sự bức xúc của xã hội. Xin cho biết pháp luật có các quy định thế nào đối với trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu cũng như hiệu quả của phòng, chống trong lĩnh vực này?
(Câu hỏi của bạn Diệp Huyền)
Ý kiến tư vấn:
Hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã dành một chương về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, trong đó quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã làm rõ các khái niệm, hành vi về quấy rối tình dục; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc quy định nội dung phòng chống; trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động về phòng, chống quấy rối tình dục.
Quấy rối tình dục được Bộ luật Lao động quy định có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Nơi làm việc được hiểu là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
Người sử dụng lao động khi ban hành nội quy lao động phải có quy định về phòng, chống quấy rối tình dục, thể hiện các nội dung:
a) Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;b) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
c) Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
d) Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
đ) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Các quy định về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời; bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Nghị định của Chính phủ đã quy định rõ nghĩa vụ của người sử dụng lao động và của người lao động trong việc phòng, chống quấy rối tình dục.
Với người sử dụng lao động, có nghĩa vụ:
a) Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động; c) Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.Người lao động có nghĩa vụ: a) Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; b) Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; c) Ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Ngoài ra, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm: a) Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; b) Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục; c) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
- [12/02/2025] Vạn Phú: Hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn
- [07/01/2025] Chị Đặng Thị Thừa – Người Phụ nữ làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống
- [05/01/2025] Vốn vay giải quyết việc làm tạo sức bật cho Hội viên Phụ nữ xã Diên Đồng
- [18/11/2024] Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thi “Thủ lĩnh giỏi trong trường học” năm 2024 tại huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn
- [18/11/2024] Những hũ gạo san sẻ yêu thương
- [08/09/2022] Phụ nữ Khánh Hòa tích cực học tập và làm theo Bác
- [07/09/2022] Hội LHPN phường Ninh Hà trao tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học mới 2022-2023
- [07/09/2022] Hội LHPN xã Ninh Trung tặng quà cho học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học.
- [07/09/2022] Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa: Tặng 30 suất học bổng cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn
- [06/09/2022] Hội LHPN xã Diên Sơn và Hội Phụ nữ Công an huyện Diên Khánh ra mắt mô hình “Tiếp bước em đến trường”