Tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu

|
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể gây tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh có thể dự phòng bằng tiêm vắc xin và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Hiện nay, bệnh bạch hầu bùng phát, lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong, phần lớn các trường hợp mắc được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm vắc xin bạch hầu hoặc chưa tiêm đầy đủ, đúng lịch.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa thông tin một số biểu hiện và các biện pháp chủ động phòng chống bệnh bạch hầu như sau:

ANH MINH HOA TIEM CHUNG.jpg (20 KB)

1. Một số biểu hiện

- Sốt không cao.

- Đặc biệt có biểu hiện nhiễm độc, da tái xanh, trẻ mệt mỏi, li bì, quấy khóc, biếng ăn.

- Ho có tiếng ông ổng, kèm theo khó thở, khàn tiếng.

- Giả mạc ở vùng hầu họng lúc đầu có màu trắng ngà, sau đó có màu vàng nhạt, rất dai, khó bóc tách. Nếu cố tình lấy giả mạc ra sẽ gây chảy máu...

2. Các biện pháp chủ động phòng chống bệnh bạch hầu

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

                                                                              Ban Gia đình - Xã hội