NGĂN CHẶN BẠO LỰC GIA ĐÌNH GÓP PHẦN HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH TRẺ EM

|

Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu cho nền văn hóa tốt đẹp, trong đó gia đình là tế bào quan trọng, là cơ sở bền vững để xây dựng nền văn hóa tốt đẹp ấy. Có thể xem gia đình là cái nôi của mỗi người vì mỗi chúng ta đều được sinh dưỡng từ trong gia đình. Đây chính là điểm khởi đầu là nền tảng vững chắc đáng tin cậy để nuôi dưỡng mỗi người lớn khôn trưởng thành. Chính những đứa trẻ ấy khi bước vào cuộc sống sẽ mang theo hành trang của gia đình cùng với những suy nghiệm có được từ những hình ảnh, dấu ấn, tính cách do sự giáo dục của gia đình để hòa vào cộng đồng. Vì lẽ ấy mà những điều tốt đẹp và cả những điều sai trái, khiếm khuyết, lầm lạc của gia đình đều được in đậm trong tâm trí và tiềm thức của trẻ, ảnh hưởng lớn và có tính chất quyết định đến việc hình thành nhân cách của trẻ em. Nếu sống trong tình cảnh một gia đình bạo lực thì trẻ em bị ám ảnh, lo sợ đến suốt cuộc đời.. Cách hành xử của người lớn, cha mẹ sẽ tiêm nhiễm vào tâm hồn các em, làm vẩn đục sự thơ ngây, phá vỡ ước mơ, niềm tin đang hình thành trong lòng con trẻ. Trong những vấn nạn cần giải quyết hiện nay thì việc ngăn chặn và đi đến xóa bỏ bạo lực gia đình là mục tiêu là cái đích mà xã hội ta đang hướng đến.

1. Thực trạng về bạo lực trong gia đình hiện nay

Bạo lực gia đình là một vấn nạn, một thách thức đối với xã hội, những hậu quả của nó đang ngấm ngầm phá vỡ sự bình yên của gia đình, làm đổ vỡ niềm tin của trẻ em, đồng thời gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Để phòng tránh và giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, mỗi người cần nhận thức đầy đủ về tình trạng này trong cuộc sống.

Khái niệm: Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “Hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về vật chất, tinh thần, kinh tế… đối với các thành viên khác trong gia đình”.

Bạo lực gia đình có biểu hiện muôn hình vạn trạng nhưng các nhà nghiên cứu xã hội tạm chia bạo lực gia đình thành 4 nhóm chủ yếu: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục.

Bạo lực gia đình xuất hiện ngay từ lúc gia đình được hình thành, khi xã hội phát triển văn minh hơn thì bạo lực gia đình vẫn không giảm đi mà nó biến tướng tinh vi phức tạp, gây nhiều hậu quả xấu cho xã hội, cho gia đình nhất là đối với trẻ em.

Những biểu hiện của bạo lực về thể chất: Trên thực tế có những gia đình cha mẹ anh em và con cái không kiềm chế và giải quyết được mâu thuẫn làm cho không khí gia đình nặng nề căng thẳng dẫn tình trạng xung đột, cãi vã xô xát ẩu đả lẫn nhau, chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con…làm rạn nứt, đổ vỡ gia đình, mất trật tự an ninh làng xóm, khu phố. Điều ấy tác động lớn, làm cho trẻ hoảng sợ, hoang mang, nó phá vỡ sự bình yên trong tâm hồn trẻ thơ. Có những gia đình cha mẹ chỉ biết lợi dụng quyền làm cha làm mẹ để áp bức hành hạ con cái, bắt trẻ phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của mình, không cho trẻ được nói lên mong muốn nguyện vọng của chúng. Một khi người cha không làm tròn bổn phận là trụ cột trong gia đình, ham rượu chè bê tha… đánh vợ chửi con, khi người mẹ không làm tròn thiên chức “xây tổ ấm” chỉ ham chơi bạn bè, bài bạc đến lúc sự hòa thuận bị phá vỡ, tình yêu thương vơi cạn, vợ chồng không chịu nổi nhau, trút giận hờn bằng vũ lực với nhau, hành xử với con cái bằng đòn roi... Kết quả là các em sống trong sự sợ hãi thường trực, không còn niềm tin để nương tựa vào gia đình của mình nữa. Các em sẽ chán nản, sống lầm lũi mặc cảm, thu mình không cần quan tâm đến việc học hành và những người khác. Lối sống ấy của cha mẹ đã gieo vào tâm hồn trẻ những dấu ấn khó phai mờ, chúng sẽ có cách hành xử trở thành thói quen dùng bạo lực với bạn bè và người xung quanh.

Bạo lực về tinh thần: Ở một dạng khác, do áp lực của cuộc sống, có thể do việc làm ăn thua lỗ, kinh tế khó khăn, vợ hoặc chồng ngoại tình, ghen tuông, cha hoặc mẹ quá nuông chiều con cái… hàng ngày cư xử với nhau nặng nề, không thể chia sẻ được nên tìm cách nói cạnh khóe, mỉa mai tìm cách chỉ trích nhau, vạch tội nhau chì chiết tạo áp lực cho nhau. Cuộc sống ấy tạo cho con trẻ luôn có cảm giác ngột ngạt, bất an, khó chịu, mệt mỏi kéo dài. Tuy thân thể không bị hành hạ nhưng về tinh thần, tình cảm bị tổn thương đồng thời phá hủy sự trong sáng lành mạnh trong tâm hồn trẻ em khiến các em không muốn ở nhà, không gắn bó với gia đình của mình và có xu hướng thoát ly, bỏ đi với bạn bè tìm sự bình yên trong lòng mình.

Bạo lực về kinh tế: Khi xã hội càng phát triển nhu cầu về vật chất ngày càng tăng. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng tạo cơ hội cho dạng bạo lực về kinh tế có điều kiện gia tăng. Có những gia đình, vì quyền lợi cá nhân mà tranh hơn thua thiệt, dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt giành giật tiền bạc, đất đai với nhau, hoặc bố có quỹ đen, mẹ có của tích trữ riêng khi cần chia sẻ đóng góp việc chung thì chi li, hàng ngày nặng nhẹ với nhau vì tiền bạc đến lúc căng thẳng sinh ra xung đột, vợ chồng chửi mắng, mạt sát nhau khi không thể kiềm chế được thì dùng bạo lực với nhau. Nhiều trường hợp anh em, họ hàng vì của hồi môn, vì quyền thừa kế nhà cửa, đất đai tiền bạc... tranh giành quyền lợi dẫn đến bạo lực, nghiêm trọng hơn còn tìm cách triệt hạ nhau tạo thành tội ác. Những hiện tượng đó tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của trẻ, các em bị chi phối bởi đồng tiền. Đồng tiền sẽ trở thành mục tiêu sống, khát vọng về vật chất làm cho con người bé nhỏ đi và chỉ nghĩ đến việc tranh giành vật chất cho riêng mình khiến cho các em trở thành đối tượng thích dùng bạo lực với bạn bè và những người khác và trở thành các đối tượng nguy hại cho xã hội.

Bạo lực về tình dục: Trong gia đình, bạo lực về tình dục kín đáo và tế nhị hơn. Nó xảy ra trong phạm vi hẹp giữa vợ chồng trong sinh hoạt nhưng nhiều khi trẻ em cũng nhận ra. Những biểu hiện thường gặp là bố hoặc mẹ ngoại tình xảy ra ghen tuông dùng bạo lực để giải quyết với nhau. Chồng (hoặc cha mẹ chồng) ép buộc con dâu sinh thêm con vì chưa có con trai. Việc  người chồng có những ham muốn đòi hỏi không hợp lý nhưng vẫn ép vợ phải chiều theo ý mình… Những sự việc ấy nếu các em cảm nhận được sẽ làm tổn thương đến tình cảm, khiến trẻ tò mò, học theo và sẽ làm ảnh hưởng đến cách sinh hoạt dễ dãi, buông thả khó kiểm soát bản thân khi trẻ đã trưởng thành.

Thực trạng đã phân tích ở trên khiến mọi người chúng ta cần suy nghĩ vì sống trong môi trường như thế sẽ vô cùng bất lợi cho trẻ em, nó trực tiếp tác động để hình thành những thói hư tật xấu cho trẻ về vấn đề bạo lực. Đã đến lúc gia đình và xã hội cần gióng lên hồi chuông báo động để cảnh tỉnh và có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục hiện tượng trên.

2. Một số biện pháp nhằm khắc phục thực trạng trên

2.1. Xây dựng gia đình trên cơ sở của tình thương

Các bậc làm cha, làm mẹ cần thức sâu sắc rằng: Mình sống là để mang lại hạnh phúc cho con cái. Hạnh phúc bắt đầu và vững vàng nhất từ sự đầm ấm trong gia đình. Một gia đình tràn đầy tình yêu thương cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, biết ân cần giúp đỡ nhau, biết quan tâm chăm sóc trẻ sẽ tạo cho trẻ em một niềm vui, niềm tin, một cảm giác an lành một ước mơ đẹp về hạnh phúc gia đình.

2.2. Cha mẹ là tấm gương sáng trong cuộc sống .

Muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con cái có đạo đức nhân cách tốt trước hết cha mẹ cần phải là tấm gương về đạo đức, cách ứng xử với nhau, biết sẻ chia, biết bao dung độ lượng, nhường nhịn và bỏ qua cho nhau những lỗi lầm và khuyết điểm trong cuộc sống. Cha mẹ cần tạo nên hình ảnh đẹp trong con mắt và tâm hồn trẻ thơ vì tâm hồn các em trong sáng, nhạy cảm với những điều tốt và cái xấu của cha mẹ và gia đình – môi trường các em sống.

2.3. Cha mẹ cần có hiểu biết nhất định

Muốn giáo dục con trở thành người tốt cha mẹ cần trang bị cho mình kiến thức nhất định. Đó là sự hiểu biết về tự nhiên và xã hội, biết cập nhật những vấn đề bức xúc của cuộc sống, nhanh nhạy nắm bắt thông tin, nhận thức được những tác động diễn biến, xu hướng phát triển của xã hội, hiểu biết về Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới và vấn đề bạo lực trong gia đình. Bên cạnh đó, cần nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi, chú ý đến nhu cầu của trẻ đồng thời biết điều chỉnh, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện xấu những sai lệch ở các em.

2.4 . Có biệp pháp giáo dục phù hợp

Cha mẹ cần định hướng, động viên khuyến khích trẻ làm điều tốt, học theo tấm gương sáng. Khi trẻ phạm phải những lỗi lầm cha mẹ cần tìm hiểu bản chất của vấn đề, tìm ra nguyên nhân và biện pháp để giải quyết hợp lý hợp tình, tránh sự vội vàng võ đoán. Nếu cần xử phạt nên cân nhắc mức độ phạm lỗi của trẻ, không xử phạt quá nặng, không dùng bạo lực và những lời thóa mạ xúc phạm làm tổn thương tâm hồn và lòng tự trọng của trẻ. Nên nhận thức xử phạt không phải là hình thức duy nhất, điều quan trọng là giúp cho trẻ nhận ra lỗi lầm của mình để đề ra phương hướng khắc phục, sự bao dung và động viên của cha mẹ là liệu pháp tốt để trẻ tránh khỏi mặc cảm để sửa chữa sai phạm.

2.5. Tích cực liên kết với nhà trường và xã hội trong quá trình giáo dục

Sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội mục đích nhằm tìm hiểu nhu cầu, tính cách, sở thích của các em về những ưu điểm, hạn chế trong cuộc sống.                                                                                                                                                                Từ đó có biện pháp tác động giáo dục một cách toàn diện, gia đình và nhà trường cung cấp thông tin, cho nhau về sự thay đổi và sự phát triển của trẻ, về kết quả học tập tu dưỡng, các hoạt động tập thể và quan hệ bạn bè…  cùng nhau hỗ trợ, tác động một cách nhất quán để đạt hiệu quả cao trong quá trình giáo dục.

Bên cạnh đó, gia đình cần tích cực hợp tác chung tay với các cơ quan chức năng để quản lý trẻ em. Gia đình cần tạo điều kiện tốt cho các em tham gia hoạt động xã hội và kiên quyết bài trừ các tệ nạn xã hội, giáo dục ý thức chống bạo lực gia đình. Căn cứ vào luật, các chế tài xử lý nghiêm các hành vi bạo lực và các vấn đề liên quan đến gia đình để gia đình Việt Nam thực sự sống bình đẳng ấm no và hạnh phúc.

Tâm hồn trẻ thơ trong trắng và nhạy cảm. Các bậc cha mẹ vì tương lai hạnh phúc của trẻ em, vì sự trưởng thành của các em hãy quan tâm, có trách nhiệm trong việc nuôi dạy giáo dục để các em thành người con ngoan hiền hiếu thảo, là công dân có ích cho đất nước. Trách nhiệm ấy vô cùng lớn lao, cao quý. Vì lẽ ấy bậc làm cha làm mẹ nên là tấm gương sáng cho trẻ em noi theo. Đừng vẽ vào khoảng tâm hồn tinh khôi thơ ngây của các em bằng những gam màu tối của các tệ nạn trong gia đình. Hãy gieo vào những tâm hồn ấy sự tin yêu, những điều thiện, sự trong sáng của nhân cách lối cư xử có văn hóa, biết xóa bỏ các hình thức bạo lực trong gia đình để xây dựng gia đình tràn đầy tình yêu thương trong hạnh phúc.

                                                                     Nguyễn Mạnh Thân