Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em

|
xay-dung-moi-truong-an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-1.jpg (149 KB)
 

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã chọn chủ đề hoạt động của các cấp hội năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Nhân dịp kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1910 - 8-3-2019), phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch phụ trách Hội LHPN tỉnh xung quanh việc triển khai chủ đề này.

xay-dung-moi-truong-an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-2.jpg (44 KB)

- Thưa bà, những nguy cơ nào có thể ảnh hưởng đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em?

- Xã hội hiện đại với xu hướng mở như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể gây mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, suy dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh mạng… Đó cũng là lý do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn chủ đề năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” nhằm kêu gọi sự chung tay hành động của toàn xã hội để xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

- Xin bà cho biết cụ thể về các hoạt động triển khai phong trào thi đua năm 2019 chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” trong các cấp hội trên toàn tỉnh?

- Ngày 5-3, hội đã triển khai phát động phong trào thi đua “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2019 trong các cấp hội trên địa bàn tỉnh. Hội đã chỉ đạo 100% cơ sở hội phải có mô hình hoạt động hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp hội và hội viên, phụ nữ, vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Nhất là ở nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, trên môi trường mạng. Ngoài ra, cần thực hiện có hiệu quả các hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng chống tảo hôn, suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Để thực hiện tốt các nội dung đặt ra, tỉnh hội yêu cầu các cấp hội tập trung tuyên truyền về các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em; nâng cao năng lực cho cán bộ hội về các hoạt động liên quan; nghiên cứu, giám sát, phản biện, đề xuất chính sách, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em…

- Thời gian qua, tổ chức hội phụ nữ đã có những hoạt động gì để bảo vệ quyền và lợi ích cũng như sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, thưa bà?

- Trong những năm vừa qua, các cấp hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ, gia đình và cộng đồng về vai trò, vị trí của gia đình và trách nhiệm tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Bên cạnh đó, hướng dẫn phụ nữ kiến thức, kỹ năng về giáo dục nuôi, dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình và kỹ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn mọi lúc mọi nơi. Hội phối hợp với các ngành để tổ chức 552 lớp tập huấn, truyền thông cho 38.761 hội viên, phụ nữ về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mại dâm, buôn bán người, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình...; thành lập 213 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ với an toàn thực phẩm”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Mẹ và con gái”… với 7.280 thành viên tham gia; huy động từ cộng đồng gần 5 tỷ đồng để xây và sửa 90 “Mái ấm tình thương”; trao 271 phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo; 765 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…

- Bà có lời khuyên gì cho chị em phụ nữ trong việc tự bảo vệ bản thân cũng như con em mình?

- Theo tôi, các chị hãy tích cực tham gia các câu lạc bộ, mô hình, phổ biến giáo dục pháp luật… do tổ chức hội phụ nữ và các đơn vị liên quan tổ chức; chủ động tự trang bị, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc nuôi dạy con, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực gia đình, ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, chị em nên thường xuyên trao đổi cùng với các thành viên trong gia đình về những kiến thức giúp trẻ phòng tránh nguy cơ bị xâm hại, hướng dẫn con sử dụng Internet an toàn, cung cấp số điện thoại liên hệ tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 và số điện thoại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh 0258.3540767 cho con em biết gọi khi cần hỗ trợ; lên án, tố cáo kịp thời những vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em…

- Xin cảm ơn bà!

M.T (Thực hiện)

Nguồn: Báo Khánh Hòa