Thực trạng về bệnh trầm cảm ở phụ nữ và biện pháp khắc phục

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 22/1/2025 ]

Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, thời đại của sự hòa nhập toàn cầu, thời đại kỹ thuật số, công nghệ 4.0… những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đã làm cho đời sống kinh tế - văn hóa xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Cùng với sự tiến bộ xã hội thì áp lực của cuộc sống ngày càng gia tăng đối với mỗi gia đình và mỗi cá nhân làm nảy sinh nhiều căn bệnh với những hệ lụy khó lường đối với con người, đặc biệt là phụ nữ. Một trong những căn bệnh ấy là bệnh trầm cảm.

I. Bệnh trầm cảm là gì

- Theo Tổ chức Y tế quốc tế WHO thì trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc chán ăn uống và kém tập trung.

- Một cách hiểu khác: Đó là chứng rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã thất vọng, tự cô lập bản thân ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của cá nhân, tình trạng này gây trở ngại không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người, thậm chí có thể dẫn tới việc tự tử.

II. Thực trạng của bệnh trầm cảm

1. Bệnh trầm cảm có thể xảy ra với tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần, tần xuất trầm cảm trong cuộc đời mỗi người là từ 15% - 20%, theo nghiên cứu và thống kê của Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay, 3% - 5% dân số thế giới mắc bệnh trầm cảm, mỗi năm có khoảng 350 triệu người ảnh hưởng bởi trầm cảm, bệnh trầm cảm.

Ở Việt Nam, số nam giới mắc trầm cảm là 3,6%, nữ giới cao gần gấp 2 lần là 5,1%. Đây là con số rất đáng quan tâm.

2. Đối với nước ta, bệnh trầm cảm trước đây còn ít nhưng hiện nay trở lên đáng báo động và lo ngại vì tỷ lệ khá cao.

Theo báo cáo của Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, hàng năm Việt Nam có khoảng 30% dân số có các rối loạn về tâm thần, 25% trong số đó là các bệnh trầm cảm.

Hàng năm có khoảng từ 36.000 - 40.000 ca tự tử vì bệnh trầm cảm, số tử vong cao hơn từ 3-4 lần tai nạn giao thông trong năm (Giao thông 10.000 người/năm).

3. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ cao gần gấp 2 lần nam giới, chiếm khoảng từ 5,1% - 6%. Bệnh trầm cảm ở Phụ nữ  thường xuất hiện ở 4 giai đoạn sau:

3.1. Trầm cảm ở tuổi dậy thì

3.2. Trầm cảm khi mang thai

3.3. Trầm cảm sau khi sinh

3.4. Trầm cảm thời gian tiền mãn kinh và mãn kinh

Trong bài viết này chỉ đi sâu vào hiện tượng: “Trầm cảm sau khi sinh ” của phụ nữ.

- Trầm cảm sau sinh là gì? Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, tuyệt vọng xuất hiện sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể được phát hiện sớm, điều trị sẽ có hiệu quả.

- Dấu hiệu trầm cảm sau khi sinh

+ Tâm trạng cảm thấy buồn, thậm chí không biết lý do vì sao buồn, vô vọng, trống rỗng, hay thấy quá tải về mọi thứ xung quanh.

+ Khóc thường xuyên, khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí không biết lý do vì sao lại khóc.

+ Luôn cảm thấy lo sợ, sợ hãi.

+ Buồn phiền, cáu kỉnh, bồn chồn.

+ Rơi vào trạng thái mất ngủ, không thể yên tâm ngủ say, hoặc ngủ quá nhiều.

+ Khó khăn khi tập trung, mất tập trung, khó đưa ra các quyết định.

+ Giận dữ, mất kiểm soát.

+ Không quan tâm đến bản thân, thấy không còn các sở thích như ngày xưa.

+ Đau đớn về cả thể chất và tinh thần, nhức đầu, đau dạ dày, đau cơ, mệt mỏi.

+ Ăn quá ít, không muốn ăn, có trường hợp lại ăn rất nhiều.

+ Ngại tiếp xúc với người khác, xa lánh người thân, bạn bè, thậm chí không muốn gần gũi với con.

+ Không tin tưởng khả năng có thể che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng cho con.

+ Xuất hiện các ý nghĩ làm hại bản thân và con.

-  Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh

Hiện nay vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Đây là dấu hiệu tâm lý, ở mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng này là sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tinh thần, thể chất, tâm lý gây nên. 

+ Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể: Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen… trong cơ thể giảm mạnh đột ngột, từ đó có thể kéo theo trạng thái trầm cảm. Trầm cảm sau sinh có thể do thay đổi nội tiết tố đột ngột.

+ Có bệnh tiền sử bị trầm cảm: Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.

+ Yếu tố cảm xúc: Mang thai không theo kế hoạch hay ngoài ý muốn, ngay cả khi mang thai đúng theo kế hoạch. Khi bé có vấn đề về sức khỏe hoặc phải điều trị dài ngày trong bệnh viện, người mẹ trải qua những cảm xúc như buồn, giận, có lỗi, những cảm xúc làm ảnh hưởng đến tự tin và gây áp lực lên người mẹ.

+ Mệt mỏi: Rất nhiều phụ nữ cảm thấy vô cùng mệt mỏi sau khi sinh, họ phải mất hàng tuần trời để sức khỏe và năng lượng hồi phục trở lại. Ở những sản phụ sinh con theo phương pháp mổ lấy thai, thời gian hồi phục có thể còn dài hơn.

+ Yếu tố đời sống: Thiếu sự giúp đỡ của người thân. Trải qua sự kiện căng thẳng như có người thân vừa qua đời, người thân trong gia đình mắc bệnh, thay đổi nơi ở, cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.

- Hậu quả của bệnh trầm cảm sau khi sinh

+ Các bệnh về tim mạch: Bệnh trầm cảm có thể có ảnh hưởng khủng khiếp đến trái tim của bạn. Nếu mức độ trầm cảm là quá nghiêm trọng, nó thậm chí có thể gây đột tử hoặc nhồi máu cơ tim. 

+ Suy giảm hệ thống miễn dịch: Khi chúng ta rơi vào trầm cảm và chán nản, những Hormone gây ra trầm cảm được sản sinh và tồn tại lâu dài trong cơ thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và đề kháng Virus của cơ thể khiến bạn dễ bị ốm, cảm lạnh.

+ Mất ngủ: Chán nản, lo lắng, suy nghĩ nhiều mỗi đêm, khó có thể đi vào giấc ngủ. Giấc ngủ cũng dễ bị gián đoạn, dễ tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ trở lại. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và thậm chí còn làm cho tình trạng trầm cảm, lo âu tăng lên. 

+  Nguy cơ đau tim, đột quỵ: Khi bị trầm cảm cơ thể sản sinh các Hormone Cor-ti-sol… có thể ảnh hưởng đến huyết áp và nhịp tim, làm cho động mạch của bạn bị yếu dần đi. Dẫn đến việc hình thành các mảng bám trong động mạch, máu lưu thông kém dẫn đến nguy cơ mắc phải cơn đau tim và đột quỵ. 

+ Mệt mỏi: Khi đang chán nản cảm thấy mệt mỏi và mất năng lượng nhiều và nhanh hơn. Cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ khiến bạn thấy mình thật vô dụng, chỉ muốn nằm một chỗ. 

+ Giảm ham muốn tình dục: Trầm cảm làm suy giảm ham muốn tình dục. Đối với nam giới, hậu quả của bệnh trầm cảm gây ra cho đời sống tình dục, chất bôi trơn âm đạo không đủ, chán ghét bạn tình, sợ quan hệ. 

+ Ý định tự sát: Từ sự tự ti, mất mục đích sống mà họ cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người, là người thừa thãi, không đáng được sống. Vì ý nghĩ này nên nhiều người bệnh trầm cảm có những hành động tiêu cực như tự hành xác cơ thể, muốn tự sát hoặc tự sát. 

- Cách khắc phục trầm cảm sau khi sinh

Điều trị trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể có kết quả tốt nếu thực hiện điều trị sớm. Các chuyên gia sức khỏe tâm lý có thể giúp mẹ sau sinh có hướng điều trị trầm cảm phù hợp và đúng đắn nhất. Trong đó có thể đề cập đến một số phương pháp như:

+ Tham vấn tâm lý: Người mẹ trầm cảm sau sinh sẽ được nói chuyện riêng với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc nhà tâm lý học. Họ giúp người bệnh nhận ra và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và hành vi của mình một cách dần dần; giúp mọi người xung quanh hiểu được và hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả.

Phụ nữ trầm cảm nhẹ có thể được tư vấn điều trị. Những trường hợp nặng hơn có thể được điều trị tư vấn kết hợp với sử dụng thuốc.

+ Điều trị bằng thuốc: Khi người mẹ bị trầm cảm sau sinh thì nên tư vấn với bác sĩ càng sớm càng tốt để được dùng thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm. Nếu sau khi ngưng thuốc, các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng, nên đến bác sĩ tư vấn thêm.

+ Hỗ trợ từ người thân: Bạn bè và gia đình cần động viên, hỗ trợ người mẹ đang được điều trị trầm cảm, nên hiểu và đồng cảm với cảm xúc, sở thích của họ. Sự giúp đỡ từ gia đình đóng vai trò quan trọng, giúp người mẹ phục hồi nhanh chóng.

+ Vai trò của bản thân: Người mẹ đang trải qua trầm cảm nên tin tưởng và kiên nhẫn vào khả năng cải thiện chứng trầm cảm của bản thân.

Hãy lắng nghe cơ thể mình, đừng quá lo lắng khi đau, mệt, bởi đau nhức là trạng thái các sản phụ sau sinh có thể trải qua và mệt mỏi là nguyên nhân khiến trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời lắng nghe cảm xúc của mình, thư giãn và làm những điều bản thân yêu thích.

Chăm sóc sức khỏe bản thân bằng việc ăn uống điều độ, bổ sung trái cây và rau xanh hằng ngày.

Trầm cảm sau sinh có chữa được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có. Hiểu rõ được nguyên nhân và hậu quả của bệnh trầm cảm bản thân mỗi người phụ nữ chúng ta nên có biện pháp phòng tránh và khắc phục căn bệnh này để xây dựng gia đình hạnh phúc.         

                                                                                                                         Nguyễn Mạnh Thân