TẾT NGUYÊN ĐÁN - NIỀM VUI VÀ NỖI VẤT VẢ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]
          1. Ý nghĩa Tết Nguyên đán

        Chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta chia tay năm Bính Tý (2020) và hân hoan chào đón năm Tân Sửu (2021). Trong khoảnh khắc giao thời chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, chúng ta cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ ý nghĩa của Tết Nguyên đán (Tết ta) và vai trò của người phụ nữ mỗi khi Tết đến.

          Nghĩa của cụm từ “Tết Nguyên đán”: những từ này gốc là chữ Hán, chiết tự như sau: “Tết” chính là “Tiết”, chữ “Nguyên” là nguyên sơ hay “Sự khởi đầu”, chữ “Đán” là sáng sớm. Hiểu theo nghĩa chung là sự khởi đầu của buổi sáng ngày đầu năm mới. Đọc đúng nguyên âm là “Tiết Nguyên đán”, người Việt chúng ta gọi với cái tên gần gũi thân thương “Tết Nguyên đán” hay “Tết ta”, đây là mốc thời gian được tính theo âm lịch, theo chu kỳ vận hành của mặt trăng.

          Tết Nguyên đán là tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam nên có ý nghĩa trang trọng và thiêng liêng vì đây là thời điểm giao hòa giữa đất trời và con người (Thiên - Địa - Nhân), là khoảng thời gian vui nhất nhộn nhịp và ấm áp trong một năm (Vui như Tết), là sự khởi đầu cho biết bao nhiêu niềm tin hy vọng, cầu chúc một năm mới sức khỏe, bình  an thành đạt và hạnh phúc .

          Ý nghĩa nhân văn cao cả của ngày tết là ngày đoàn viên sum họp của gia đình, dòng họ sau bao ngày xa cách vì công việc, cuộc sống. Đây cũng chính là thời gian tụ họp quý báu thiêng liêng, là dịp để mọi người thể hiện tình yêu thương sự quan tâm và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho nhau: Ông bà thêm tuổi mới sức khỏe, người lớn thành đạt hạnh phúc, trẻ em chóng lớn chăm ngoan…

          Tết Nguyên đán cũng là những ngày con cháu thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là ngày lễ tạ ơn với tổ tiên, thờ phụng ông bà những người đã khuất trên bàn thờ ngũ quả nghi ngút khói hương thể hiện truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, đạo hiếu của dân tộc.

          Tết đến, mọi người vui vẻ hân hoan, mở rộng cửa để rước tài lộc vào nhà đón nhận sự thịnh vượng sung túc và những điều tốt đẹp trong năm mới. Mọi người tin và hy vọng vào những cơ hội mới tốt đẹp, những cơ hội khởi nghiệp mới, sự buôn bán làm ăn phát tài, phát lộc, sung túc thịnh vượng. Những người trẻ tuổi cầu mong sự tiến bộ thành đạt đồng thời cũng là dịp cầu duyên để đôi lứa nên gia thất, sum họp một nhà tràn đầy niềm vui tin tưởng vào tương lai.

           2. Niềm vui và nỗi vất vả của người phụ nữ trong Tết Nguyên đán.

          Tết đến là niềm vui của mọi người, của mọi lứa tuổi, mọi giới, trong đó người phụ nữ cùng hòa vui với gia đình, vui vì công việc làm ăn về con cái dần trưởng thành, về thành quả sau một năm và hướng đến mọi dự định những điều tốt đẹp trong năm mới. Có thể nói, đây cũng là thời điểm để phụ nữ tỏa sáng, phát huy được vai trò, sự khéo tay, sự đảm đang của mình. Đồng thời cũng là dịp thể hiện những đức tính quý báu của người phụ nữ trong giao tiếp trong lời ăn tiếng nói, trong cách cư xử tế nhị lịch lãm với ông bà, cha mẹ họ hàng qua sự đón tiếp, thăm hỏi, với những câu chuyện thông minh dí dỏm mang tiếng cười làm không khí gia đình ấm áp vui vẻ. Thời gian nghỉ tết người phụ nữ có điều kiện để quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình thông qua việc nghỉ ngơi, tổ chức những bữa ăn phong phú đa dạng ngon miệng, đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tết đến xuân về, người phụ nữ dành thời gian để mua sắm trang phục đẹp phù hợp, trang điểm tạo phong cách và vẻ đẹp duyên dáng để đón tết, đi chúc tết và đón khách đến nhà.

          Bên cạnh niềm vui đáng quý ấy, ngày tết cũng là những ngày bận rộn với nhiều công việc trong gia đình và những lo âu của người phụ nữ. Nỗi lo đầu tiên là nguồn tài chính, về các khoản mua sắm tết từ việc mua quần áo mới, quà tết chúc mừng bên nội bên ngoại, mâm ngũ quả và hương hoa trên bàn thờ, các loại bánh mứt, tiền lì xì đến những bữa tiệc, bữa cơm trong ngày tết… tất cả phải tính toán cân nhắc thu chi cho hợp lý trong tết và khoản để lại sau tết sử dụng cho cuộc sống gia đình. Các khoản chi tiêu ấy phụ thuộc vào tài chính, mức thu nhập của gia đình. Đối với những gia đình khá giả thì sẽ có thuận lợi, gia đình khó khăn quả thực đây là gánh nặng, nỗi lo đối với chị em.

          Tết đến, người phụ nữ bận rộn với nhiều công việc cả việc có tên đến việc không tên từ việc mua sắm trang phục mới cho mọi người trong gia đình, mua quà tết cho hai bên nội ngoại, tính toán mua sắm nhu yếu phẩm, thực phẩm cần thiết cho gia đình và để tiếp khách... Sau nữa đến việc quét dọn nhà cửa, trang trí trên bàn thờ tổ tiên, gói và luộc bánh chưng, tánh tét, làm bánh thuẫn, mứt dừa, mua thực phẩm cúng tất niên, những bữa tiệc, bữa cơm trong ngày tết, tiếp đến là rửa chén dĩa, lau nhà, dọn dẹp... Những việc đó đã chiếm hết thời gian của chị em, thậm chí có người thường phải thức đến 11 - 12h đêm mới xong, chị em ít có thời gian nghỉ ngơi, cơ thể mệt mỏi, trong mấy ngày tết có người lại cảm thấy bị giảm cân, vì thế có người khi tết đến đã trở thành nỗi ám ảnh, sự lo lắng bởi sự bận rộn vất vả.

          Để chia sẻ, giảm thiểu nỗi vất vả này thiết nghĩ mỗi gia đình nên thực hiện một vài ý tưởng sau đây giúp cho ngày tết thực sự đem lại niềm vui với tất cả mọi người nhất là chị em phụ nữ.

          Trước hết cần phải quan niệm: Tết là của tất cả mọi người, mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm tham gia tổ chức sinh hoạt trong những ngày tết chứ không phải riêng gì chị em phụ nữ. Trong gia đình cần phải có kế hoạch cùng chia sẻ công việc, tránh gây áp lực nặng nề cho người mẹ hoặc người vợ. Gia đình cần bàn bạc, phân công mỗi người một việc phù hợp với lứa tuổi, giới tính và vị trí của mình, người phụ nữ không thể ôm đồm lo liệu hết mọi việc mà rất cần sự hỗ trợ của những người đàn ông, người chồng. Người chồng là nhân vật rất quan trọng có thể chia sẻ hoặc quyết định về vấn đề tài chính, làm giúp các công việc dọn dẹp nhà cửa trang trí bàn thờ gia tiên, mua hoa đào hoa mai, cây cảnh, mua bia rượu, gói bánh, luộc bánh và tiếp khách... Người đàn ông, người chống cần phải chia sẻ gánh vác công việc với vợ không nên chỉ biết nghỉ ngơi tiệc tùng, tiếp khách …

          Cần khuyến khích và phân công các công việc nhẹ nhàng phù hợp với con em để cả gia đình cùng tham gia mỗi người một việc tạo niềm vui trong ngày tết và chia sẻ công việc để người phụ nữ đỡ phần vất vả.

          Các nghi lễ truyền thống của dân tộc cần giữ gìn những tinh hoa nhưng cũng nên giản tiện cho phù hợp với hiện tại không cần quá cầu kỳ rườm rà, cũng không nên đặt quá nặng vấn đề ăn uống tiệc tùng triền miên, nên quan niệm, Tết là ngày đoàn viên sum họp, cần đề cao ý nghĩa thiêng liêng trang trọng, yếu tố tinh thần tình cảm. Sự hiếu nghĩa, tình yêu thương thuận hòa trong gia đình và dòng họ được đặt lên hàng đầu. Vì thế nên chăng những bữa tiệc cũng cần đơn giản lịch sự, nhẹ nhàng vừa đủ, tạo không khí thân mật đầm ấm trong gia đình, tránh sự hoang phí thừa thãi không cần thiết và cũng không nên đặt nặng quá vấn đề ăn uống tiệc tùng liên tục gây lãng phí quá mức trong những ngày này.

          Gia đình bố trí thời gian hợp lý để đi chúc tết cha mẹ, họ hàng, bạn bè và dành thời gian nghỉ ngơi đúng mức. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của từng gia đình có thể tổ chức đi du lịch ngắn ngày, tham gia các hoạt động địa phương tổ chức, các lễ hội, du xuân đầu năm tạo sự thư thái thoải mái đầm ấm bên gia đình.

          Tết Nguyên đán là những ngày trang trọng thiêng liêng và đón nhận niềm vui, vì ý nghĩa cao quý đó người phụ nữ cũng không nên tạo áp lực nặng nề cho mình, tích cực làm việc nhưng cũng cần biết tự giải phóng bản thân. Nên khuyến khích, động viên chồng, con và mọi thành viên trong gia đình và mọi người chung tay chuẩn bị đón tết, giúp người phụ nữ được thảnh thơi, bớt gánh nặng với những lo toan bận rộn để tận hưởng niềm vui chung với gia đình và xã hội mỗi khi tết đến, xuân về.

Nguyễn Mạnh Thân