Hôm nay chính thức diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 25/12/2024 ]
Hôm nay, 25/1/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội là sự kiện trọng đại của cả dân tộc với việc đề ra nhiệm vụ trong 5 năm tới; xác định phương hướng mục tiêu phát triển đến năm 2030 - dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn phát triển đến năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
25_Jan_2021_012823_GMTdh_dang_1.jpg (55 KB)

Tầm nhìn phát triển của đất nước trong nửa thế kỷ tới

Trả lời tại cuộc họp báo trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định: Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ. Dự thảo đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 – 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng.

dh dang 3.jpg (108 KB)

Áp phích cỡ lớn tại Trung tâm hội nghị Quốc gia với thông điệp “Chào mừng Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”

Theo chương trình, bên cạnh việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, Đại hội XIII của Đảng còn đưa ra những quyết sách quan trọng cho sự phát triển của đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Theo kế hoạch, Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026; xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Mục tiêu và tầm nhìn của Đại hội lần này thể hiện rõ nét hơn khi đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Mục tiêu cụ thể như sau: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. "Đây sẽ là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn", đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định.

Đại hội Đảng bầu ra những người đủ năng lực gánh vác trọng trách

Một trong những nội dung được người dân đặc biệt quan tâm là công tác nhân sự. Thông tin đến báo chí trước thềm đại hội về công tác nhân sự, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho hay, công tác chuẩn bị nhân sự được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao. Theo đó, nhân sự tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, đồng thời có sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.

dh dang 2.jpg (132 KB)

Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, BCH Trưng ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định. "Nhân sự lần này cũng bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc... nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào BCH Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân" – ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo dự kiến, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 200 thành viên, trong đó 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Sẵn sàng mọi điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng thành công

Bộ Chính trị đã quyết định thành lập 67 đoàn đại biểu và cử trưởng đoàn đại biểu; phân công 191 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương tham gia sinh hoạt tại 67 đoàn đại biểu. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, các đại biểu tham dự Đại hội và khách mời được bố trí ăn, nghỉ theo đoàn, tập trung trong suốt quá trình diễn ra Đại hội tại các khách sạn, nhà khách gần địa điểm tổ chức hội nghị (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội). Công tác chăm sóc sức khỏe đại biểu cũng được xây dựng phương án chi tiết, cụ thể về y tế để bảo đảm cao nhất an toàn sức khỏe của đại biểu và khách mời dự Đại hội.

Trả lời báo chí trước thềm Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng cho biết: Công tác chuẩn bị Đại hội đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao; triển khai từ rất sớm. Đến nay, tất cả các công việc chuẩn bị tổ chức phục vụ đã được chuẩn bị một cách khoa học, kỹ lưỡng, chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện với chất lượng cao nhất để tổ chức Đại hội thành công.

Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 – 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội có 1.587 đại biểu tham dự, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước. Đây là kỳ Đại hội Đảng có số đại biểu đông nhất qua 13 kỳ Đại hội. Trong đó, về giới tính có 222 đại biểu nữ (chiếm 13,99%); về dân tộc, có 175 đại biểu là dân tộc thiểu số (chiếm 11,03%); về độ tuổi, có 57 đại biểu dưới 40 tuổi (chiếm 3,59%), 03 đại biểu trên 70 tuổi, độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,2 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là 76 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 33 tuổi; về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có 1.067 đại biểu có trình độ thạc sỹ, tiến sĩ (chiếm 67,32%), 71 đại biểu là giáo sư, phó giáo sư (chiếm 4,47%); về trình độ lý luận chính trị, có 1.579 đại biểu có trình độ cử nhân, cao cấp (chiếm tỷ lệ 99,49%).

Theo: http://hoilhpn.org.vn/ (Nguồn: https://phunuvietnam.vn/)