HỎI ĐÁP: Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai được hỗ trợ như thế nào trong dịp Tết Tân Sửu 2021

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]
Hỏi: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 như thế nào?
\"18_Jan_2021_081916_GMTho_tro_lao_dong_tet_bi_anh_huong_boi_dich.jpg
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: http://www.congdoan.vn/)

Trả lời

Nhằm kịp thời chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho các đoàn viên công đoàn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai trong năm 2020, ngày 12/01/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1921/QĐ- TLĐ về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo Quyết định, đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị từ 01 năm trở lên, tính đến ngày 31/12/2020, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và thiên tai 2020.

Mức hỗ trợ:

- Mức hỗ trợ chung: 1.000.000 đồng/người

- Mức hỗ trợ đối với trường hợp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, thiên tai: Tối đa 2.000.000 đồng/người (số trường hợp được hỗ trợ không quá 20% tổng số đoàn viên, người lao động được hỗ trợ)

Lưu ý:

- Đoàn viên, người lao động đã được hỗ trợ theo Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ngày 22/5/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 (mức 500.000 đồng/người) thì không được nhận hỗ trợ theo Quyết định này.

- Trường hợp đã được hỗ trợ theo Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ngày 22/5/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng đoàn viên, người lao động vẫn gặp khó khăn đặc biệt, thì các cấp công đoàn xem xét kỹ lưỡng và tiếp tục hỗ trợ theo mức 2.000.000 đồng/người.

Các tiêu chí hỗ trợ được định hướng bao gồm:

Bản thân hoặc có vợ, chồng, con, bố, mẹ (đang ở cùng và phải trực tiếp nuôi dưỡng) bị bệnh hiểm nghèo; bản thân là người khuyết tật hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Làm việc trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải ngừng hoạt động, không có việc làm, nghỉ luân phiên hoặc giãn việc làm, có thu nhập không ổn định với mức bình quân chung trong năm 2020 không quá 03 triệu đồng/ tháng.

Làm việc tại các cơ sở giáo dục phải nghỉ việc từ 1,5 tháng trở lên, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, thu nhập của bản thân và gia đình do tác động bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai năm 2020.

Có hoàn cảnh khó khăn, làm việc trong các cơ quan, đơn vị, địa bàn bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai năm 2020.

Có hoàn cảnh khó khăn đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, có thu nhập trung bình hàng tháng trong năm thấp dưới mức lương tối thiểu vùng.

Căn cứ các tiêu chí trên, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có thể bổ sung, cụ thể hoá các tiêu chí theo phương châm ưu tiên những đối tượng khó khăn nhất, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai năm 2020.

Nguồn hỗ trợ:

Từ nguồn tài chính tích lũy tại Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở Tổng mức chi tối đa không quá 50% kinh phí dự phòng theo quyết định giao dự toán năm 2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (số kinh phí còn lại chưa chi hết của gói hỗ trợ theo Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ngày 22/5/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét cấp hỗ trợ đối với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không cân đối được tài chính và phải cấp bù năm 2020.

Theo: Ban CSLP TW Hội