Đề cương giới thiệu Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 22/1/2025 ]

I. Giới thiệu chung về Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định thi hành

  1. Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Luật)

Luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016. Luật gồm 9 chương, 68 Điều. Cụ thể như sau:

1.1. Chương I - Những quy định chung (gồm 05 điều, từ Điều 1 đến Điều 5) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hành vi bị nghiêm cấm.

1.2. Chương II – Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (gồm 04 điều, từ Điều 6 đến Điều 9) quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

1.3. Chương III -  Hoạt động tín ngưỡng (gồm 06 điều, từ Điều 10 đến Điều 15) quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng; người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; đăng ký hoạt động tín ngưỡng; tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ; tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi; quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng.

1.4. Chương IV – Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo (gồm 05 điều, từ Điều 16 đến Điều 20) quy định về điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; hoạt động của tổ chức sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.

1.5. Chương V – Tổ chức tôn giáo (gồm 22 điều, từ Điều 21 đến Điều 42) quy định về điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo; trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo; hiến chương của tổ chức tôn giáo; sửa đổi hiến chương; tên của tổ chức tôn giáo; thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc; thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử chức sắc; đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; trình tự, thủ tục thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam; mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

 

1.6. Chương VI – Hoạt động tôn giáo; hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo (gồm 13 điều, từ Điều 43 đến Điều 55) quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp; sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam; tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; hoạt động quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài; hoạt động xuất bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm; hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo.

1.7. Chương VII –Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo (gồm 04 điều, từ Điều 56 đến Điều 59) quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo; di dời công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo.

1.8. Chương VIII – Quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (gồm 06 điều, từ Điều 60 đến Điều 65) quy định về nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ.

1.9. Chương IX – Điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 66 đến Điều 68) quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp và quy định chi tiết.

  1. Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định)

Bao gồm 6 chương, 25 điều và Phụ lục hướng dẫn thực hiện.

2.1. Chương I - Những quy định chung (Điều 1 đến Điều 3) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ;

2.2. Chương II - Sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thay đổi người đại diện, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; thay đổi tên, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Từ Điều 4 đến Điều 8):  Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại khoản 5 điều 6 của luật; trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục thay đổi tên của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

2.3. Chương III - Cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại; giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo; công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ (Từ Điều 10 đến Điều 16): Trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định của hiến chương; trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức t

ôn giáo trực thuộc theo quy định tạiđiểm b, điểm c khoản 1 điều 31 của luật; trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo quyết định của tổ chức tôn giáo; trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 điều 42 của luật; trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo; chấm dứt hoạt động, quyền khiếu nại của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo khi bị giải thể; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ

2.4. Chương IV - Chấp thuận, đăng ký phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài (Từ Điều 17 đến Điều 18): trình tự, thủ tục chấp thuận việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài ở việt nam; trình tự, thủ tục đăng ký làm chức sắc, chức việc cho công dân việt nam được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử ở nước ngoài

2.5. Chương V - Hoạt động quyên góp; tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Từ Điều 19 đến Điều 20): Hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài

2.6. Chương VI - Tổ chức thực hiện (Từ Điều 21 đến Điều 25): Biểu mẫu về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của bộ nội vụ và các cơ quan liên quan; tiếp nhận hồ sơ; hiệu lực thi hành; trách nhiệm thi hành.

II. Một số vấn đề tập trung

  1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1.1. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

1.2. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo về quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo; trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các biện pháp thi hành Luật.

  1. Những quy định có liên quan đến phụ nữ

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người, vì vậy mọi quy định trong luật đều có liên quan đến phụ nữ. Đặc biệt các quy định liên quan đến phụ nữ có tín ngưỡng, tôn giáo; nữ chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo. Các quy định có liên quan trực tiếp:

2.1. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người (Điều 6, chương II)

2.2. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5, chương I) và Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 9, chương II).

2.3. Các quy định liên quan đến chức sắc, tín đồ, chức việc, nhà tu hành là nữ:

- Điều kiện đăng ký sinh hoạt tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo (chương IV)

- Công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc (chương V); cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; trình tự, thủ tục thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam; mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

- Hoạt động tôn giáo; hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo

2.4. Hoạt động đối với nữ tín đồ, chức việc, chức sắc là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (mục 2 chương 7).

2.5. Xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (mục 2, chương VIII). 

  1. Quy định về trách nhiệm của tổ chức Hội

Trách nhiệm của tổ chức Hội được thể hiện trong Điều 4 về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo đó, xác định trách nhiệm của tổ chức Hội như sau:

3.1. Tập hợp phụ nữ theo tín ngưỡng, tôn giáo và phụ nữ không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3.2. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của phụ nữ về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.3. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

3.4. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

3.5. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.