Giới thiệu Luật trợ giúp pháp lý năm 2017

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 19/4/2024 ]

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 (thay thế cho Luật TGPL năm 2006), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Luật gồm 08 chương, 48 điều.

Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác TGPL phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước; nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL; bảo đảm sự hội nhập quốc tế, nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.

  1. Phạm vi điều chỉnh

Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về “người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý” (điều 1).

  1. Những quy định có liên quan đến phụ nữ

- Luật quy định rõ trợ giúp pháp lý “…góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật” (điều 2).

- Trong chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý, so với Luật TGPL năm 2006, bên cạnh việc kế thừa chính sách TGPL đã được quy định trong Luật TGPL năm 2006 là xác định “TGPL là trách nhiệm của nhà nước”, trong Luật TGPL 2017 đã bổ sung thêm các chính sách mới để đảm bảo quyền được TGPL phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng TGPL, thu hút các nguồn lực thực hiện TGPL, hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động TGPL (Điều 4). Bên cạnh đó, trong Luật TGPL 2017 còn quy định rõ Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí hàng năm cho công tác này. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung ngân sách hàng năm của Trung ương để hỗ trợ việc thực hiện vụ việc phức tạp, điển hình (khoản 2 Điều 5). Đây là nội dung được Luật hóa theo nội dung của Quyết định số 32/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ tham gia các vụ việc phức tạp điển hình. Theo đó, những quy định này sẽ có tác động tích cực đến đối tượng được trợ giúp là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số.

- Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong trợ giúp pháp lý, Luật đã quy định điều cấm có những nội dung thể hiện rõ vấn đề giới, cụ thể là cấm “Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý” (điểm a, khoản 1 điêu 6).

- Về diện người được trợ giúp pháp lý, so với Luật TGPL năm 2006, diện người được TGPL theo Luật TGPL năm 2017 đã được mở rộng (từ 06 diện người lên 14 diện người), thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng chính sách và đối tượng yếu thế, là những đối tượng mà phụ nữ chiếm tỷ lệ không nhỏ.

 Bên cạnh hai nhóm đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật TGPL năm 2006 (là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo) thì có hai nhóm đối tượng được kế thừa và mở rộng thêm (từ đối tượng “trẻ em không nơi nương tựa” mở rộng  thành tất cả trẻ em (để tương thích với Luật trẻ em 2016); người dân tộc thiểu số “thường trú” (theo Luật cũ) thành “cư trú” ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Luật mới), (tại khoản 3, 4 điều 7). Bên cạnh đó, Luật TGPL năm 2017 bổ sung 02 nhóm là “người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo” (Khoản 5, 6 điều 7).

Ngoài ra, Luật TGPL năm 2017 có quy định mới trong việc áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính đối với 08 nhóm người được TGPL, trong đó có 03 nhóm đối tượng mà phụ nữ chiếm tỷ lệ không nhỏ: \"nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV” (điểm e, g, h khoản 7 điều 7).

-  Về quyền của người được trợ giúp pháp lý:

Luật quy định các đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó bao gồm cả phụ nữ thuộc các diện người được trợ giúp có các quyền sau: Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý;  Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý ...; Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật (Điều 8).

- Về lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý: Luật TGPL 2017 đã kế thừa Luật TGPL năm 2006 và quy định 03 hình thức TGPL, bao gồm: “tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng” (khoản 2 Điều 27). Việc Luật TGPL năm 2017 không quy định “các hình thức TGPL khác” (như Luật TGPL 2006) đã giúp các đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó có các nhóm phụ nữ nắm rõ được quy định của pháp luật và dễ dàng lựa chọn hình thức TGPL phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân và người dân trong các vụ việc cụ thể.

-  Trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL, Luật TGPL năm 2017 có nhiều quy định mới để tạo thuận lợi cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng như:  “Sở Tư pháp công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp” ( khoản 2 điều 17).  Ngoài hình thức nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, người dân có thể  “gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, ....”  (khoản c điều 29) để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; Người được trợ giúp pháp lý “Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý” (khoản 2 Điều 8).

- Đối với trường hợp thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, Luật TGPL năm 2017 tạo thuận lợi cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng nhằm tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Luật quy định trong trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định của Luật này nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý “thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu trợ giúp pháp lý bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết” (khoản 4 điều 30).

  1. Những quy định về trách nhiệm của tổ chức Hội

Luật TGPL năm 2017 không có những quy định riêng về trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong công tác TGPL nhưng Luật đưa ra những quy định chung đối với cơ quan, tổ chức mà những quy định này có thể áp dụng đối với tổ chức Hội LHPN Việt Nam, như sau:

- Đối với các cơ quan nhà nước có liên quan, Luật quy định  “Trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý” (Điều 42)

- Quy định trách nhiệm của tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật: “Tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý trong quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật theo quy định của Luật này” (Điều 44)./.