Một số thông tin liên quan đến làm thẻ căn cước công dân gắn chíp

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Trên Trang TTĐT Hội LHPN Việt Nam giới thiệu các nội dung thông tin dạng Hỏi- Đáp về một số vấn đề mà người dân có thể quan tâm về việc làm thẻ căn cước công dân gắn chíp (Từ nguồn Trang facebook của Chính phủ).

Trang TTĐT Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa xin giới thiệu lại các nội dung này:

 

15_Mar_2021_014010_GMTcan_cuoc.jpg (79 KB)

Ảnh minh họa

Hỏi: Ông V.T. Sơn: Tôi đang sống và làm việc tại Hà Nội nhưng hộ khẩu thường trú của tôi ở Nam Định. Hiện nay, Chứng minh nhân dân của tôi đã hết hạn, không thể giao dịch hành chính được.

Hiện tại, Hà Nội đang triển khai cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Xin cho tôi hỏi, tôi muốn làm thẻ Căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử tại Hà Nội có được không? Nếu được thì tôi phải chuẩn bị những giấy tờ gì?

Trả lời:

a. Theo quy định của Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật CCCD và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CCCD thì khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì cơ quan quản lý CCCD cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại thẻ CCCD đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Như vậy nếu công dân Võ Thanh Sơn đã được cấp CCCD hoặc Chứng minh nhân dân 12 số thì có thể đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP. Hà Nội để làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD.

Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD đã đi vào vận hành thì công dân có thể đến bất kỳ cơ quan quản lý CCCD nào để làm thủ tục cấp CCCD.

b. Hồ sơ cần chuẩn bị khi làm thủ tục cấp CCCD tại nơi tạm trú:

- Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;

- Chứng minh nhân dân/ CCCD cũ (nếu có).

---

Hỏi: Ông N.M. Huy: Tôi năm nay 38 tuổi, hiện nay, tôi muốn làm thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Theo quy định của Luật CCCD thì đến 40 tuổi công dân phải đổi thẻ CCCD, cho tôi hỏi, trường hợp của tôi nếu làm thẻ CCCD có gắn chíp điện tử thì tới năm 40 tuổi tôi có phải đổi thẻ CCCD không? Ngoài ra, khi làm thẻ CCCD có gắn chíp điện tử thì tôi có bị thu lại thẻ CCCD có mã vạch không?

Trả lời

a. Về độ tuổi đổi thẻ CCCD:

Theo quy định của Khoản 2 Điều 21 Luật CCCD thì trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định (đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi) thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo. Như vậy nếu công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD khi đã đủ 38 tuổi thì thẻ CCCD sẽ có giá trị sử dụng đến khi công dân đủ 60 tuổi.

b. Về thu hồi CCCD mã vạch khi làm thủ tục đổi thẻ CCCD gắn chíp điện tử:

- Với trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD qua đường chuyển phát nhanh đến địa chỉ theo yêu cầu: Tiến hành thu CCCD, cắt góc và trả lại sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp CCCD.

- Với trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD tại đơn vị cấp: Tiến hành thu hồi, cắt góc và trả lại CCCD khi trả thẻ CCCD gắn chíp điện tử.

- Đối với CCCD bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy CCCD.

---

Hỏi: Ông N.T. Kiên được biết thẻ CCCD gắn chíp điện tử có ưu điểm là tích hợp được nhiều thông tin cá nhân như nơi cư trú, bằng lái xe, giấy tờ xe, bảo hiểm, ngân hàng…

Ông Kiên hỏi, có phương án nào để bảo mật thông tin trên thẻ trong trường hợp bị mất và trong giao dịch hành chính?

Trả lời:

Chíp sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, bảo đảm độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.

Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực bảo đảm chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.

Khi đề xuất sử dụng CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án bảo đảm tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.

---

Hỏi: Ông H.T. Hùng: Tôi năm nay 61 tuổi, đã làm thẻ CCCD năm 2019. Theo quy định của Luật CCCD 2014 thì công dân ngoài 60 tuổi không phải đổi thẻ CCCD, trong khi đó, Bộ Công an vừa có chủ trương triển khai cấp thẻ CCCD có gắn chíp điện tử thay thế thẻ CCCD có mã vạch.

Cho tôi hỏi, những trường hợp nào thì phải đổi thẻ CCCD có mã vạch sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử? Những người đã được cấp thẻ CCCD có mã vạch nhưng vẫn còn hạn sử dụng thì có phải đổi sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử không? Trường hợp ngoài 60 tuổi đã làm thẻ CCCD có mã vạch như tôi có phải đổi sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử không?

Trả lời:

Theo quy định của Luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng 03 loại thẻ (Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số và CCCD mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng. Do vậy, đối với trường hợp của bạn đọc Hoàng Thanh Hùng thì bạn đọc sẽ không phải đổi thẻ CCCD.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử.

--

Hỏi: Ông N.T. Thành: Cho tôi hỏi, việc dùng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có ưu việt gì so với thẻ CCCD có mã vạch và Chứng minh nhân dân

Trả lời:

Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần,… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

---

Hỏi: Ông V.T. Trung: Cho tôi hỏi, chíp điện tử được gắn trên thẻ CCCD liệu có thể kiểm soát các hoạt động của từng cá nhân hay không?

Trả lời:

Việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.

Về câu hỏi của công dân Võ Thái Trung hỏi, việc sử dụng thể CCCD có gắn chíp điện tử có bị kiểm soát hoạt động cá nhân hay không? Về việc này, Bộ Công an khẳng định chíp được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

[Thông tin có thể sẽ được tiếp tục cập nhật]

 Nguồn: https://www.facebook.com/912918568785331/posts/3794106483999844/