Lời dặn của Bác với các nữ học viên lớp báo chí kháng chiến đầu tiên

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]
Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên 3 nhà báo nữ là học viên lớp báo chí đầu tiên của trường Huỳnh Thúc Kháng: “Nghe nói có 3 cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí…”.

Lời dặn dò trìu mến với "3 cô đến học viết báo"

Năm 1949, khi trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập và đi vào hoạt động, Bác đã 2 lần viết thư động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm báo cho các học viên… Xúc động hơn, Người không quên bày tỏ sự động viên, quan tâm tới các học viên nữ - những nhà báo nữ lớp đầu tiên của cơ sở đào tạo báo chí cách mạng trong kháng chiến chống Pháp: "Nghe nói có 3 cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!".

Tại Đại hội đầu tiên sau hòa bình lập lại của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Người gọi các nhà báo tham dự Đại hội là "các cô, các chú" một cách trìu mến, thân tình: "Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo: Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hòa bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã cố gắng làm việc. Gần đây, sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương, các đồng chí đã thấy rõ công việc báo chí là rất quan trọng và đã thấy được những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Như thế là tiến bộ. Ưu điểm của các cô, các chú không ít. Nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều...".

Người đề cập đến mục đích, tôn chỉ của báo chí cách mạng, đồng thời cũng lưu ý đến bản sắc riêng của từng tờ báo, trong đó có báo dành cho phụ nữ: "Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ…, nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán".

Dấu chân trên bản đồ báo chí thế giới từ hơn 100 năm trước

Khởi đầu tại thủ đô báo chí thế giới Paris (Pháp) hơn 1 thế kỷ trước, hành trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời là hành trình làm báo 50 năm tròn, với khoảng 2.000 bài báo và 174 bút danh khác nhau, đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô giá. Tại Paris, năm 29 tuổi, với bài viết "Yêu sách của Nhân dân An Nam", Người có trong tay bài báo đầu tiên (Báo L'Humanité, ra ngày 18/6/1919, bút danh Nguyễn Ái Quốc). 50 năm sau, trước lúc ra đi không lâu, Người viết bài báo cuối cùng "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" (Báo Nhân Dân số 5526, ra ngày 01/6/1969, bút danh T.L.).

hcm bchi2.jpg (299 KB)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, đã sớm bổ sung vào hành trình ấy sự tham góp trực tiếp của báo chí bằng việc tiếp cận với báo chí phương Tây và trở thành một người làm báo chuyên nghiệp ngay từ khi còn rất trẻ. Quá trình ấy gắn với sự trưởng thành về nhận thức và tư tưởng, trở thành một chiến sĩ cách mạng kiệt xuất, một nhà báo cách mạng kiệt xuất. Không chỉ cộng tác, viết bài cho nhiều tờ báo, tạp chí của Pháp, còn có một chi tiết thú vị "rất báo chí" được kể lại là chuyện tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc nhờ qua kênh báo L'Humanité mà gặp được Bản Luận cương của V.I. Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa nên đã vui mừng phát khóc: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!".

Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đã có hàng trăm bài báo ra đời thời kỳ này và trở thành phương tiện sắc bén tuyên truyền cách mạng hàng đầu trong tay Người, tiến tới sự ra đời của Báo Thanh Niên ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), khai sinh nền báo chí cách mạng nước nhà. Những năm kháng chiến ở Việt Bắc gian khổ, Người vẫn dành thời gian quý báu cho báo chí. Theo một thống kê cho biết, có khoảng 400 bài viết của Người được đăng trên các báo, tạp chí thời kỳ này.

Biểu tượng ngời sáng của báo chí Cách mạng

Bức đồ họa khái quát hành trình hoạt động báo chí "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: "Từ Vấn đề dân bản xứ đến Tuyên ngôn Độc lập" tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, hiện là một điểm nhấn tâm huyết và có sức hút với công chúng tại khu vực trưng bày ngay từ thời điểm khai trương cho đến nay. Nhiều học sinh, sinh viên báo chí, truyền thông và người làm báo đã dừng lại rất lâu tại đây để có dịp hình dung một cách có hệ thống những chặng đường làm báo của Người - một biểu tượng sáng ngời của báo chí cách mạng Việt Nam.

hcm bchi3.jpg (126 KB)

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các đại biểu dự Ðại hội Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (tháng 3/1963)

Các thế hệ nhà báo tìm thấy ở Người nguồn cảm hứng, động lực và lý tưởng làm nghề. "Bác Hồ ở Pháp", "Bác Hồ trên đất nước Lê-nin", "Thời thanh niên của Bác Hồ" - tác giả Hồng Hà; "Năng động Hồ Chí Minh" - nhà báo Thép Mới; "Hồ Chủ tịch với báo chí" - Chi hội Nhà báo Lào Cai, năm 1973; "Người Cha thân yêu" - Võ Nguyên Giáp (nhà báo Đinh Phong), "Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí Cách mạng Việt Nam" - NXB Thông tấn, năm 2004; "Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ" - nhà báo Văn Hiền, năm 2007; "Bác Hồ - Người có duyên nợ với báo chí" - nhà báo Phan Quang, năm 2019… là những bản thảo viết tay, đánh máy, tài liệu học tập nghiệp vụ và sách đã in, giúp bộ sưu tập trên 1.000 hiện vật, tư liệu về "Nhà báo Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh" của Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày một đầy đặn hơn.

Theo: http://hoilhpn.org.vn