TRUYỆN NGẮN: Giấc mộng đào

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 04/12/2024 ]

Chim trời vòi või
Để rơi cánh mỏng theo ngày

Bùi Giáng

GIẤC MỘNG ĐÀO

Chim trời vòi või
Để rơi cánh mỏng theo ngày

Bùi Giáng

Gió không phải là gió đâu. Đấy là những cành đào non đang đung đưa.

Một năm lại sắp đi qua. Tôi và cu Dế đã làm chị em gần trọn năm. Bà ngoại quên quên nhớ nhớ của tôi không còn thẫn thờ ngồi bên hè nhà, đổ những cuộn chỉ màu và những cây kim khâu óng ánh ra nền gạch, rồi ngồi khâu đi khâu lại mấy cái khuy áo hay gấu quần của các cậu tôi. Bà mang quần áo của cu Dế ra đơm lại các khuy, khâu lại những đường sứt chỉ. Cu Dế sắp được đi học mẫu giáo lớn nên nghe chừng chững chạc hẳn ra.

Hàng ngày cô Hồng đi dạy học ở trường xã nhà. Đấy là bà ngoại tôi đích thân đến nhà trường xin cho con dâu được chuyển về dạy học ở quê chồng. Khi bà phăm phăm bước vào phòng giám hiệu, ai nấy đều chạy lật đật từ trên lớp về không hiểu để đón tiếp bà hay để tò mò xem bà mẹ anh hùng điên điên đến trường vì việc gì. Thầy hiệu trưởng hứa nhận ngay cô Hồng, xin bà cho 3 ngày để báo cáo với cấp trên và bố trí sắp xếp lại giờ dạy trong tổ bộ môn. Bà mẹ anh hùng phấn khởi lắm. Bà không có biểu hiện điên chút nào. Các thầy cô giáo nhìn nhau, hóa ra đám cưới âm là có thật, hóa ra có cô dâu thật. Giờ thì họ hồi hộp chờ nhìn mặt cô dâu thật của đám cưới âm. Nghe nói cô dâu thật đấy rất xinh. Cô dâu thật sắp làm đồng nghiệp của họ. Cô dâu thật là vợ liệt sĩ, không phải đùa đâu, cần thực hiện chính sách với gia đình liệt sĩ.

Quán triệt tận tim óc điều ấy, nên khi cô Hồng xuất hiện, cả trường chúng tôi vỗ tay to lắm, vỗ mãi vỗ mãi không thấy chán. Tôi tự hào quá. Con Giang con Hường bíu vai tôi nhảy nhảy lên để xem mặt cô giáo lấy chồng dưới âm.

Chúng nó kháo nhau.

“Ôi cô giáo xinh thật đấy. Xinh như hoa hậu”

“Thế mà lấy chồng âm”

Tôi cáu tiết:

“Cậu tao vẫn về luôn”

Chúng nó cười cười:

“Khéo không con này điên theo bà ngoại nó”

Thắng Quân nhảy đến túm tóc con Giang.

“Chúng mày lẻo miệng vừa thôi. Cấm bắt nạt bạn”

Thằng Quân luôn bênh vực tôi mọi lúc mọi nơi. Tự nhiên thế, nên tôi cũng đã quen rồi. Tôi biết con Giang con Hường tuy có đáo để nhưng rất bện tôi. Lúc nào chúng nó cũng kết bè túm sau túm trước tôi. Nên tôi thường không thèm chấp mấy chuyện đành hanh của chúng nó.

Mọi chuyện rồi đâu cũng vào đấy. Trường tôi đã quen với cô giáo Hồng. May quá, tôi không học lớp của mợ tôi chủ nhiệm, tôi không thích thành tích học tập của tôi bị kích bác.

 

Mấy hôm trước bà ngoại quên quên nhớ nhớ của tôi bảo:

“Mọi năm khi tết về, bố mẹ con thường mua cho bà cành đào to đẹp. Năm rồi thì bà có cành đào núi to quá đẹp quá. Nhưng ai cũng muốn có một cành đào núi to như vậy thì trên núi sẽ trơ trọi mỗi khi mùa xuân về. Với lại, chỉ có một cành đào thì bà sợ các cậu của con về mà không đủ chỗ. Thôi thế năm nay bà sẽ bảo bố mẹ con không đi sắm cành đào nữa. Mà bà muốn trồng cả một vườn đào như bên Tứ Liên. Vườn nhà bà vẫn rộng đất lắm. Rồi bà sẽ bảo bố con mang đi tặng mấy nơi…”

Tôi nhìn bà ngoại, cố gắng hiểu những lời lẽ của bà. Tôi đã quen với việc bà ngoại quên quên nhớ nhớ của tôi buông ra những câu rất lạ.

Tôi hỏi bà:

“Bà ngoại ơi, con hỏi thật nhé, bà phải nói thật lòng ấy. Có phải năm nay bà lại muốn làm đám cưới âm cho cậu Nhất và cậu Hai không?”

Bà ngoại nheo nheo cặp mắt nhìn đi đâu xa lắm.

“Ừa… Bà muốn các cậu trên đó yên ấm”

Tôi vặn lại bà:

“Nhưng bà có biết mặt cô nào trên đó đâu để hỏi cưới cho các cậu? Thế bà định làm đám cưới tập thể à?”

Bà ngoại cười dãn cả mặt, gương mặt bà rạng rỡ, đẹp y như tấm ảnh thời trẻ của bà.

“Hai anh em cùng cưới mà gọi là đám cưới tập thể. Cha bố chị. Bà cứ xin Trời xin Phật, xem ở trên ấy có ai chịu làm dâu con nhà bà thì về”

“Làm sao bà biết được là có ai muốn về làm dâu nhà mình hay không?”

Bà ngoại cốc tôi một cái. Ui cha, giờ thì tôi phát hiện ra là bà ngoại quên quên nhớ nhớ của tôi thực ra rất dí dỏm, có nhăn nhăn buồn bã thì cũng chẳng qua là bà nhớ các cậu của tôi quá. Nên bà cứ hay ra đứng hóng gió trước hiên nhà. Mỗi khi gió về ào ạt thì bà tin các cậu đã kéo về đông đủ.

 

Tôi đi học về là chạy vội sang chào bà ngoại trước. Để kể cho bà nghe rất nhiều chuyện ở lớp. Tôi đã học đến lớp bốn. Cô Thủy mới chuyển từ Cao Bằng về chủ nhiệm lớp tôi. Cô kể chuyện vùng núi Cao Bằng khiến lũ trẻ con chúng tôi háo hức nghe lắm.

Bà ngoại đang lục gì đó trong cái hộp gỗ mà mọi khi bà cất sâu trong tủ. Bà lôi ra một cuốn sổ đã cũ. Bà lật lật cuốn sổ rồi bảo tôi:

“Đây là nhật kí của cậu Nhất. Con đọc cho bà nghe mấy đoạn này nhé…”

Tôi trịnh trọng nâng cuốn sổ lên hai tay. Cứ như nhìn thấy cậu Nhất hiền lành nho nhã của tôi đang ngồi phía trước mặt, mỉm cười nhìn hai bà cháu.

“Ngày…

Không ai trong chúng con ngờ được cuộc chiến này khốc liệt đến thế. Hôm qua đại đội trực đồi 512 của chúng con đã vơi đi gần nửa. Phía địch cậy đông áp đảo. Chúng xả súng như chơi trò đốt pháo tết.

Bố mẹ ơi, xin bố mẹ hãy đón nhận Thủy. Con biết mẹ chưa ưng Thủy, vì cô ấy không phải dòng máu Việt. Nhưng cô ấy thực sự yêu Việt Nam mẹ ạ. Mẹ hãy đón nhận cô ấy vì con. Bố mẹ hãy đến nhà Thủy nói chuyện cho hai bên đi lại, để Thủy thay con chăm sóc bố mẹ. Khi nào kết thúc cuộc chiến, con về sẽ xin phép được thưa chuyện với hai bên gia đình…”

Bà ngoại ngồi như chìm trong bóng khuất của căn phòng. Bà ngồi im lặng lâu lắm. Tôi không dám động cựa, cứ ngồi im theo bà.

Lát sau tôi nghe bà lẩm bẩm:

“Cũng tại mẹ… Tại mẹ…”

Ngoài sân, gió về thổi ràn rạt trên những tàu cau. Lá từ cây dâu da xoan rụng xuống vàng cả lối ngõ. Tiếng thở dài của bà ngoại tôi lẫn với tiếng gió.

Tôi gọi:

“Bà ơi, trường con cũng mới có cô giáo tên Thủy. Cô Thủy mới nhận chủ nhiệm lớp con. Cô ấy từ Cao Bằng chuyển về. Cô Thủy đẹp lắm bà ạ, đẹp không kém mợ Hồng”

Bà tôi bấy giờ như bừng tỉnh:

“Tên Thủy à? Cô ấy từ Cao Bằng về à? Thật à?”

“Vâng cô giáo kể như thế với cả lớp”

Bà ngoại bỗng lấy tay kéo tôi đứng dậy.

“Mau, mau đi gọi mẹ con sang đây cho bà”

Rồi bà lẩm bẩm một mình:

“Có mỗi thằng Hai mải học chẳng thèm ngó đến cô nào. Rồi cứ thế mà đi… Các con ơi…”

 

Lúc mẹ tôi sang thì bà đã ăn mặc rất đẹp đứng sẵn ở hiên, cái hiên gạch cũ đã bóng lên vết của năm tháng. Không hiểu bà cất đâu cái khăn nhung đen nhức mà giờ tôi mới nom thấy. Bà quấn khăn lên đầu kiểu chít mỏ quạ, bà mặc áo dài nhung màu đỏ huyết dụ, quần sa đen nhóng nhánh, rồi xỏ đôi giày nhung cũng màu đỏ huyết dụ.

Đến cả mẹ tôi cũng phải ngạc nhiên trầm trồ:

“Mẹ ơi, mẹ! Nhà ta có tin gì vui à?” 

Bà tôi cứ thế hấp ta hấp tấp bước xuống sân. Nom bà vội quá. Cứ như ai đang đợi bà. Tôi cứ thế chạy theo mẹ và bà. Mà hóa ra bà ngoại quên quên nhớ nhớ của tôi đang đi trên con đường đến trường tôi. Ô lạ quá. Hay mợ Hồng tôi nhắn bà lên trường có việc gì mà ăn bận đẹp thế kia.

Nhưng không phải là mợ Hồng nhắn.

Bà đứng trước cửa phòng Giám hiệu. Gọi một câu mà tôi có nằm mơ cũng không bao giờ có giấc mơ ấy. (Sao ngưởi lớn có nhiều chuyện bí ẩn thế không biết).

“Thủy đấy à con?”

Cô giáo chủ nhiệm của tôi đứng sững, rồi chạy ào ra.

“Mẹ! Con đây! Con đã nhờ người nhắn mẹ ngay khi con về lại quê mình” 

Mẹ tôi, mợ Hồng, tôi và tất cả đều ngây người ra nhìn cô Thủy ôm bà ngoại tôi khóc nức lên. Bà ngoại tôi chưa khóc trước mặt ai, mà giờ run rẩy, nước mắt chảy giọt. Bà lấy chéo khăn nhung the lau nước mắt cho cô Thủy.

“Lỗi tại bố mẹ! Lỗi tại bố mẹ!”

“Mẹ ơi, đâu phải lỗi tại bố mẹ. Là tại con đã bỏ đi xa để bố mẹ và anh Nhất không bao giờ tìm được. Khi con nghe tin anh ấy hi sinh, con rước ảnh để tang cho anh 5 năm sau mới xây dựng gia đình. Chồng con cũng là bộ đội Việt Nam. Bố mẹ con đã đi về cõi hết rồi, chỉ có mình con nên khi bố mẹ mất con rước ảnh họ sang Việt Nam thờ. Chồng con cho phép con thờ bố mẹ đẻ và anh Nhất…” 

Cô Thủy nâng chéo khăn lên nhìn.

“Mẹ ơi, đây là…”

“Khăn con gửi tặng mẹ từ ngày ấy, mẹ vẫn giữ mới nguyên. Bao năm qua mẹ vẫn giữ… Ngày ấy bố mẹ đã đi tìm con…”

Bấy giờ tôi mới biết cô giáo tôi không phải người Việt Nam. Mà cậu Nhất tôi lại có người đàn bà thờ phụng. Tôi mới học lớp 4, sao cứ cảm thấy mình đã rất già. Có phải những gian khó khổ đau của người lớn đã làm cho lũ trẻ con chúng tôi già đi trong khoảnh khắc.

Tôi bỗng nhớ ra ước muốn của bà ngoại là sẽ trồng một vườn đào nhỏ ở cái khoảnh đất trống trước sân nhà.

Bấy giờ mẹ tôi vẫn còn đứng ngây ra ngắm em dâu hụt của mình.

Mẹ tôi lẩm bẩm:

“Lẽ ra là dâu trưởng của bà ngoại” 

Tôi kéo tay mẹ tôi.

“Mẹ ơi, bà ngoại muốn trồng một vườn đào”

Mẹ tôi vẫn như đang trôi trong giấc mộng của người lớn.

“Mẹ ơi, bà ngoại sẽ làm đám cưới âm cho cậu Nhất và cậu Hai”

Mẹ tôi lẩm bẩm:

“Nhất định năm nay sẽ ươm hẳn một vườn đào. Nhà mình giờ đông con đông cháu rồi”

Tôi vẫn tò mò lắm.

“Mẹ ơi, đây là cô giáo mới của chúng con. Cô cũng là mợ của con sao?”

Mẹ tôi gật.

“Cô ấy là người thân của nhà ta. Là người yêu nước Việt vô vàn”

Tôi không bao giờ nghi ngờ điều ấy với cô giáo đẹp như mơ của tôi, cho dù vật đổi sao dời.

 

Tôi như đã nom thấy giấc mộng đào của bà ngoại, lá non xanh và những nụ hồng đang dần mở cánh. Những cánh hồng mỏng mảnh như những tà áo dài bay bay trong gió xuân.

Tôi đã kể xong câu chuyện về bà ngoại quên quên nhớ nhớ của tôi.

Giờ đây, không ai bảo bà ngoại tôi điên. Họ nói bà ngoại tôi là một chú lính chì dũng cảm.

                                

                                                                    - 5.12.2020, vị tinh tạo tác sự như hà -

Tác giả: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà