Làm thế nào để giúp con trẻ an toàn khi trực tuyến

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]

Ngay cả khi ở nhà cùng con thì bạn cũng không thể kiểm soát các hoạt động trực tuyến của trẻ từng phút từng giây được. Điều quan trọng là phải nói chuyện với trẻ về các vấn đề an toàn khi trực tuyến để giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và khả năng đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Dưới đây là 10 lời khuyên giúp bảo vệ con bạn khi trực tuyến.

  1. Xây dựng một mối quan hệ tin cậy cởi mở liên quan đến công nghệ - trao đổi một cách cởi mở và mang tính hỗ trợ để con bạn biết chúng có thể chia sẻ với bạn nếu có vấn đề hoặc cảm thấy không ổn khi trực tuyến.
  2. Cùng xem và cùng chơi trên mạng với con. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những gì trẻ đang làm và lý do tại sao chúng thích một ứng dụng, trò chơi hoặc trang web nào đó, cũng như tạo cơ hội tuyệt vời để bắt đầu trò chuyện về an toàn trực tuyến.
  3. Hình thành những thói quen tốt, giúp con bạn phát triển hiểu biết về kỹ thuật số cũng như các kỹ năng xã hội và cảm xúc – ví dụ như sự tôn trọng, đồng cảm, tư duy phản biện, hành vi có trách nhiệm, sự kiên cường về tinh thần và tập làm một công dân tốt trên mạng.
  4. Trao quyền cho con - bất cứ khi nào có thể, giúp con tự đưa ra những quyết định sáng suốt hơn là quyết định thay con. Cố gắng hướng dẫn con cách giải quyết đối với những tình huống xấu trên mạng, qua đó giúp con bạn tự tin và biết cách ứng phó.
  5. Sử dụng thiết bị ở những nơi thoáng đãng trong nhà - điều này có thể giúp bạn quản lý và biết được con bạn tương tác trực tuyến với ai thông qua điện thoại, máy tính bảng, vô tuyến thông minh, máy chơi game và các thiết bị kết nối trực tuyến khác.
  6. Giới hạn thời gian, cân bằng số giờ ngồi trước màn hình với các hoạt động khác - Việc lên kế hoạch sử dụng công nghệ của gia đình có thể giúp bạn quản lý nhu cầu sử dụng công nghệ, khi nào và lúc nào thì được phép sử dụng công nghệ trong gia đình.
  7. Nắm được các ứng dụng, trò chơi và mạng xã hội mà con bạn đang sử dụng, đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, đồng thời tìm hiểu cách hạn chế các chức năng nhắn tin, chat trực tuyến, chia sẻ vị trí trong các ứng dụng và trò chơi vì chúng có thể khiến con bạn liên hệ với những đối tượng không mong muốn và tiết lộ vị trí thực tế của con bạn.
  8. Kiểm tra cài đặt quyền riêng tư trên các trò chơi và ứng dụng mà con bạn đang sử dụng và đảm bảo rằng thông tin của con bạn được để ở chế độ cài đặt bảo mật nghiêm ngặt nhất. Hạn chế người có thể liên lạc với con bạn hoặc yêu cầu họ đăng ký với bạn trước khi đồng ý kết bạn.
  9. Sử dụng các công nghệ có sẵn để cài đặt chế độ kiểm soát trên các thiết bị, lọc nội dung có hại, giám sát việc sử dụng của con bạn, giới hạn hoặc khóa quyền truy cập vào một số chức năng hoặc thiết bị kết nối trực tuyến (ví dụ máy ảnh, mua hàng trên ứng dụng).
  10. Hãy cảnh giác với những dấu hiệu căng thẳng của con bạn và biết nơi có thể tư vấn, hỗ trợ.

 

Theo Lời khuyên cho cha mẹ và người chăm sóc về an toàn trẻ em trên
    môi trường mạng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Tài liệu hướng dẫn của Chính phủ Úc