Bồi thường thiệt hại tài sản đối với lao động giúp việc gia đình

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Câu hỏi:

Tôi có hợp đồng làm công việc giúp việc gia đình, một lần trong khi làm việc tôi đã làm hỏng vật dụng của chủ nhà. Sự việc xẩy ra do tôi sơ suất nhưng một phần cũng  có yếu tố khách quan. Tôi đã tường trình đầy đủ nhưng chủ nhà vẫn yêu cầu tôi phải bồi thường. Khả năng kinh tế của tôi có hạn. Xin cho biết trong trường hợp của tôi thì trách nhiệm bồi thường là như thế nào?

(Câu hỏi của bạn Trịnh Thị Hồng)

Trả lời:

          Việc bồi thường thiệt hại của người lao động được Bộ luật Lao động quy định như sau:

  1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định.

  1. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

          Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu lao động giúp việc gia đình phải có hợp đồng lao động bằng văn bản, trong đó có các thỏa thuận về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất. Người sử dụng lao động và người lao động xác định cụ thể các hành vi, hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất theo quy định của Bộ luật Lao động và ghi trong hợp đồng lao động hoặc thể hiện bằng hình thức thỏa thuận khác. Thỏa thuận này cũng là cơ sở để xem xét khi giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản.

          Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 06 tháng kể từ ngày người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động.

            Người phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự của Bộ luật Lao động./.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng