Một số điểm mới cơ bản của hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội triển khai thực hiện trong năm 2018

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 23/1/2025 ]
  1. Mở rộng đối tượng tham gia

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

  1. Thay đổi cách xác định tiền lương tháng đóng BHXH đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động”.

Khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của BLĐTBXH quy định các khoản bổ sung khác thực hiện theo điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Như vậy, các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động (điểm b khoản 3 Điều 4) không là căn cứ để đóng BHXH.

  1. Thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu

Đối với người hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi:

- Đối với nam giới: Tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng cho 16 năm đóng BHXH nếu nghỉ hưu vào năm 2018; nghỉ hưu vào năm 2019 là 17 năm; nghỉ hưu vào năm 2020 là 18 năm: nghỉ hưu vào năm 2021 là 19 năm; nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH tính thêm 2% mức bình quân thu nhập tháng, mức tối đa là 75%;

- Đối với nữ giới: Tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

  1. Bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện

- Từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

+ Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo;

+ Bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo;

+ Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Ví dụ: Mức chuẩn hộ nghèo hiện nay là 700.000 đồng/tháng và mức đóng 22% hàng tháng trên chuẩn nghèo là 154.000đ. Như vậy, mức hỗ trợ 30% sẽ bằng: 154.000 x 30% = 46.200đ; mức hỗ trợ 25% là 38.500đ; mức hỗ trợ 10% là 15.400đ.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

- Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Ban Tuyên giáo- Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa