Bệnh sốt xuất huyết: Nguy cơ bùng phát dịch

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Chiều 15-11, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp đột xuất với Sở Y tế và các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao


Theo báo cáo của Sở Y tế tại cuộc họp, 10 tháng năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.220 ca SXH, trong đó có 1 ca tử vong tại TP. Nha Trang, so với cùng kỳ (10 tháng năm 2017 là 2.554 ca) tăng 36%. TP. Nha Trang là địa phương có số mắc cao nhất 1.500 ca, kế đến huyện Diên Khánh 592 ca, Vạn Ninh 296 ca…

\"benh-sot-xuat-huyet-nguy-co-bung-phat-dich.jpg
Điều trị ca sốt xuất huyệt nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Nhận định được tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương, đơn vị, đoàn thể triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh không giảm, bắt đầu tăng cao từ tháng 7 và tăng rất cao vào tháng 10. Nếu tháng 7, số ca mắc mới ghi nhận 293 ca (gần gấp đôi số mắc tháng 6) thì đến tháng 10 tăng lên 1.049 ca. Số ca mắc SXH tháng 10 đã vượt ngưỡng số mắc trung bình 5 năm và đường cong cảnh báo dịch của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Y tế cảnh báo: Môi trường, thời tiết hiện nay đang thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển. Dịch bệnh SXH đang trong tình trạng báo động và có nguy cơ bùng dịch lớn nếu các biện pháp can thiệp đang triển khai không đạt mục tiêu.

Diệt lăng quăng chưa đạt hiệu quả

Lý giải cho tình trạng trên, bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, các đợt diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch, mở rộng phạm vi xử lý phun hoá chất diện rộng… hiệu quả chưa cao. Trong đó, chỉ số mật độ muỗi ở một số xã, phường vượt ngưỡng nguy cơ (ngưỡng quy định 0.5) như: thị trấn Khánh Vĩnh là 1.5 (gấp 3 lần); xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hoà): 0.75; thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh): 0.65… Chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng ở một số địa phương cũng vượt ngưỡng nguy cơ, có nơi tăng gần gấp 3 lần (xã Ninh Quang). Điều đó cho thấy, một số địa phương chưa làm tốt công tác tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng.

Ngoài ra, một bộ phận người dân vì sợ hóa chất diệt muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe nên không cho phun thuốc vào nhà; các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương chưa nhiệt tình, chưa trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở hộ gia đình; tại các xã đảo, vùng thiếu nước sinh hoạt người dân tích trữ nước là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và khó xử lý, diệt lăng quăng; thời tiết nắng mưa rất thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển... Đặc biệt, ở TP. Nha Trang, rất nhiều công trình xây dựng có nhiều

ổ nước tù đọng, xuất hiện rất nhiều muỗi, lăng quăng nhưng việc xử lý, gặp nhiều khó khăn (một số công trình không cho nhân viên y tế vào để xử lý).

Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, các địa phương phối hợp với ngành Y tế tập trung phòng, chống dịch SXH. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương thông tin cho người dân về tình hình và cách phòng bệnh SXH để người dân hiểu và tích cực phối hợp với ngành Y tế. Các địa phương phải khẩn trương và nghiêm túc triển khai có hiệu quả hoạt động diệt lăng quăng theo quy định và kế hoạch đã đề ra; chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch, không giao phó hết cho ngành Y tế, có kế hoạch mua thêm các thiết bị phun hóa chất. Riêng TP. Nha Trang phối hợp với Sở Xây dựng có biện pháp yêu cầu các cơ sở xây dựng thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Sở Y tế phải có phương án điều tiết giảm tải cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh khi số ca mắc SXH nhập viện tăng cao; giám sát và báo cáo thường xuyên cho UBND tỉnh về tình hình dịch SXH. Các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo các cấp cơ sở phối hợp với ngành Y tế triển khai tốt công tác này…

C.Đan

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh: Bệnh viện hiện chỉ có 100 giường bệnh nhưng 3 tuần gần đây bệnh viện quá tải vì bệnh SXH. Lượng bệnh nhân điều trị nội trú dao động 105 - 146 ca/ngày (tăng gần gấp đôi so với các tuần trước đó), trong đó, số ca nhập viện mới chiếm từ 8 - 26 ca/ngày. Bệnh viện đã phải tận dụng các phòng chức năng, kê thêm giường xếp phục vụ bệnh nhân. Không chỉ có số ca mắc tăng cao, từ ngày 24-10 đến nay, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận những trường hợp SXH nặng và rất nặng với 22 ca (những tháng trước đó ghi nhận 1, 2 ca).

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang:  Từ tháng 10, thành phố đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Xây dựng kiểm tra 12/25 công trình, dự án xây dựng trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, hầu hết tại các công trình đều phát hiện có lăng quăng, muỗi ở các hồ chứa nước, khu vực đọng nước. Đoàn đã tiến hành xử lý  hoá chất tại chỗ; đồng thời lập biên bản yêu cầu các chủ đầu tư ký hợp đồng xử lý muỗi, diệt lăng quăng. Trong các công trình đã kiểm tra, có 6 công trình đoàn sẽ tiến hành kiểm tra lại, nếu không khắc phục sẽ lập biên bản đề nghị UBND tỉnh và Sở Xây dựng có biện pháp xử lý phù hợp. Hiện nay, một số tổ, thôn ở xã Vĩnh Lương có thả muỗi Wolbachia, theo ghi nhận ở những nơi này số ca mắc SXH rất thấp. Nếu được trong năm 2019, UBND tỉnh cho phép dự án triển khai thả ở các xã, phường còn lại của thành phố để góp phần phòng, chống dịch SXH.

Theo Báo Khánh Hòa