Đảm bảo tính pháp lý của thoả thuận cấp dưỡng nuôi con

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ bảy, 21/12/2024 ]

Nội dung câu hỏi:

Chúng tôi đã có 2 con chung, con lớn 5 tuổi và con nhỏ 20 tháng tuổi. Thời gian gần đây vợ chồng không còn hạnh phúc do anh ấy đang có một mối tình khác. Anh muốn tôi ký đơn ly hôn và cam kết giao chiếc xe ô tô cho tôi. Tôi trực tiếp nuôi hai con và anh chu cấp mỗi tháng 6 triệu đồng nuôi con. Tôi cũng muốn chia tay cho êm ấm nhưng việc nuôi con và tài sản anh ấy hứa nhưng rồi không thực hiện thì thế nào, làm sao để đảm bảo sự chắc chắn, không tranh chấp sau này? (Chúng tôi không có nhà, và đang ở nhờ nhà bố mẹ tôi).

(Câu hỏi của bạn Lê Thị Nguyệt)

Ý kiến tư vấn:

Theo Luật Hôn nhân và gia đình, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Như vậy, trong trường hợp không có trở ngại từ luật pháp thì việc ly hôn không nhất thiết phải có sự đồng thuận của cả vợ và chồng. Luật chỉ hạn chế quyền này đối với người chồng, trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

Tòa án sẽ quyết định cho ly hôn khi xét thấy vợ chồng đã ở trong tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn của Tòa án, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc nuôi con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của người vợ và con; nếu hai bên không thỏa thuận được hoặc tuy có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án sẽ quyết định.

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Người không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng để nuôi con.

Từ những nội dung quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nêu trên đây cho thấy các thỏa thuận của vợ chồng khi ly hôn, như việc cấp dưỡng nuôi con, phân chia tài sản phải được Tòa án công nhận thể hiện trong Bản án, Quyết định mới có hiệu lực thi hành.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng