Bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 04/12/2024 ]

Nội dung câu hỏi:

Trong trường hợp xảy ra bạo lực trong gia đình có thể nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người bị nạn thì pháp luật có biện pháp thế nào để bảo vệ họ và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội thể hiện thế nào?

(Câu hỏi của bạn Thanh Huyền)

Ý kiến tư vấn:

Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình được ghi nhận tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ; phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra được Luật quy định bao gồm:

a) Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;
b) Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;
d) Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (biện pháp cấm tiếp xúc).

Luật cho phép người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt hành vi bạo lực và cấp cứu nạn nhân. Các biện pháp ngăn chặn được giao cho người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự. Cụ thể, biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Tòa án nhân dân.

Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.

Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị tạm giữ hành chính, xử phạt vi phạm hành chính.

Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.

Người đứng đầu cộng đồng dân cư khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc của Toà án có thẩm quyền thì phối hợp với tổ chức có liên quan ở cơ sở để phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng