Địa danh Khánh Hòa qua ca dao, câu hát địa phương

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ ba, 24/12/2024 ]

Với tên Khánh Hòa, một tỉnh Nam Trung Bộ, nằm ven Biển Đông, được mang tên từ thời vua Minh Mạng năm 1832, đã đi vào ca dao có ý nghĩa mời gọi: “Khánh Hòa đẹp lắm ai ơi/Vào Nam ra Bắc ghé chơi Khánh Hòa”.

THAP BA.jpg (434 KB)

Tháp Bà Ponagar Nha Trang.

Vì tỉnh Khánh Hòa nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đường sắt và Quốc lộ 1 xuyên suốt chiều dài của tỉnh chạy dọc ven biển từ đèo Cả đến ghềnh Đá Bạc nối liền với các tỉnh phía bắc và phía nam. Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cách TP. Nha Trang 35km nối với các sân bay trong nước và một số nước ngoài. Đường biển của Khánh Hòa - Việt Nam gần với tuyến hàng hải quốc tế. Với sự giao thông tiện lợi đã tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước đến với thành phố biển này, thành phố du lịch, thành phố của các sự kiện.

Vì Khánh Hòa có nhiều sản vật quý giá (như yến sào, trầm hương, kỳ nam), nhiều tình cảm sâu nặng của người dân: “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương/Non cao biển rộng người thương đi về/Yến sào thơm ngọt tình quê/Sông sâu đá tạc lời thề nước non”.

Nói đến Khánh Hòa là nói đến trầm hương, nên Khánh Hòa còn gọi là xứ Trầm Hương, cũng là tên một tác phẩm viết về tỉnh Khánh Hòa của Quách Tấn (1910-1992, tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, các tiểu hiệu là Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn… Các câu thơ, câu hát trong sách lưu truyền trong dân gian, nay đa số câu trở thành ca dao địa phương). Trầm hương và kỳ nam là hai cây được vua Minh Mạng cho khắc 2 hình 2 cây trên 2 đỉnh đồng Cao Đỉnh và Nhân Đỉnh đặt ở Thái Miếu Huế. Không chỉ đời nay nói đến Khánh Hòa có nhiều trầm hương và loại trầm hương tốt nhất, mà thời xưa, trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” (được khắc in năm 1776), tác giả Lê Quý Đôn cũng đã nhắc đến trầm hương của Khánh Hòa: “Kỳ nam hương xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất; xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai” (phủ Bình Khang thời đó gồm 2 huyện Quảng Phước và Tân Định, ngày nay là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa).

Ngoài trầm kỳ, Khánh Hòa còn có một sản vật quý giá khác là yến sào. Yến sào là tổ con chim yến đóng ở các đảo ngoài khơi biển Khánh Hòa. Yến sào là loại đại bổ, được xếp hàng đầu trong các loại bổ dưỡng, dùng trong các yến tiệc của vua quan hay làm vật triều cống ngày xưa. “Thương anh em nấu yến sào/Anh ăn cho khỏe, ra vào nhớ em”. Vì thế, Khánh Hòa không những nổi danh với “biển rộng non cao” mà còn nổi danh và tự hào với các loại đặc sản trầm hương, yến sào đầy quý giá, không phải nơi nào cũng có: “Khánh Hòa biển rộng non cao/Trầm hương Vạn Giã - yến sào Nha Trang/Trầm hương ướp vị yến sào/Tình thâm đất nước, ngọt ngào văn chương”.

Lại nữa, người Khánh Hòa hiền hòa, chất phác, thủy chung, hiếu khách, chứa chan tình cảm: “Tỉnh Khánh Hòa đậm đà mưa nắng/Non chồng nghĩa nặng, nước chứa tình thâm/Khánh Hòa non nước trời sanh/Xưa sao nay vậy đượm tình nước non”.

Khánh Hòa còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước: “Ai về viếng cảnh Khánh Hòa/Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên”.

Từ những hình ảnh quê hương kể trên, nên những người con của Khánh Hòa, những người đã từng sống, từng làm việc hay từng đến du lịch Khánh Hòa: “Đi đâu vẫn nhớ Khánh Hòa/Nhớ biển Nha Trang gió mát, nhớ Ninh Hòa nhiều nem”.

Khánh Hòa - Phú Yên cùng chung địa giới, từng gắn nhiều năm trong đơn vị hành chánh Phú Khánh và cũng đã nối kết nhiều tình cảm, kể cả tỉnh Bình Định: “Anh về Bình Định thăm cha/Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”, nối kết những sản vật, đặc sản quý giá: “Tiếng đồn Bình Định tốt nhà/Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu”.

Vùng đất Khánh Hòa có nhiều đặc sản biển, ruộng đồng, rừng núi tạo nên một nền ẩm thực độc đáo: “Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh/Sò huyết Thủy Triều... Đời anh cay đắng đã nhiều/Về đây ngọt sớm ngon chiều với em”…

Đã một thời, Khánh Hòa là xứ nhiều cọp: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Lý giải cọp có nhiều ở Khánh Hòa, Lê Quang Nghiêm trong tác phẩm “Những chuyện kể dân gian tại Khánh Hòa” đã viết: “Dãy Trường Sơn trùng điệp trải dài từ Xuân Lộc (Đồng Nai) trở ra Bắc Trung Bộ, vốn là giang sơn của voi, cọp, beo, gấm, gấu, tê giác, min (bò rừng), nai, hươu, mển, heo rừng, khỉ đột, đười ươi, trăn gió, trăn nưa, mãng xà, rắn độc… và muôn loài thú nhỏ. Nói về cọp, tỉnh nào cũng có mà riêng núi rừng phía Tây - Tây Bắc Khánh Hòa giáp giới các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk (cao nguyên), Phú Yên, có lẽ do địa thế và môi trường thích hợp, cọp ở quá nhiều đã gieo tai họa khủng khiếp cho dân lành hàng bao thế kỷ nên đã thành danh “cọp Khánh Hòa”. Từ đó, có nhiều truyền thuyết về cọp Khánh Hòa đã được người dân truyền tụng nhau, góp phần phong phú cho nền văn học dân gian Khánh Hòa.

Ngô Văn Ban

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202303/dia-danh-khanh-hoa-qua-ca-dao-cau-hat-dia-phuong-8277439/