Chính sách liên quan đến trẻ em và người thực hiện nghĩa vụ quân sự

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 23/1/2025 ]
  1. Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ thêm đối tượng được miễn học phí

Tại Điều 1 Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ quy định bổ sung khoản 16 Điều 7 Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định đối tượng được miễn học phí là: Trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

Chính sách miễn học phí cho trẻ em học mẫu giáo 5 tuổi quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm học 2018 – 2019 (từ ngày 01 tháng 9 năm 2018).

  1. Nhiều ưu đãi dành cho người thực hiện nghĩa vụ quân sự

Theo quy định tại Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, mọi công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.

Hiện tại thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là 24 tháng. Thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân. Những quyền lợi mà người đi nghĩa vụ quân sự được hưởng bao gồm:

Được nghỉ phép hàng năm

- Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về).

- Hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc người thân từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về).

- Được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

Không mất phí chuyển bưu phẩm, tiền

Theo Điều 5 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được:

- Miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 04 tem thư/tháng.

- Khi tham gia tuyển sinh được cộng điểm ưu tiên.

- Trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ.

Chế độ đối với người nhà hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ

- Nhà ở gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến sập, hư hỏng: Trợ cấp 03 triệu đồng/suất/lần.

- Thân nhân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên: Trợ cấp 500.000 đồng/thân nhân/lần.

- Thân nhân từ trần, mất tích: Trợ cấp 02 triệu đồng/người.

- Con đẻ, con nuôi hợp pháp: Được miễn, giảm học phí.

Trợ cấp xuất ngũ một lần

Hạ sĩ quan, binh sĩ được trợ cấp: Tiền tàu xe; Phụ cấp đi đường; Trợ cấp xuất ngũ.

Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội một lần được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở theo quy định tại thời điểm xuất ngũ.

Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau:

- Dưới 1 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ; từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương cơ sở.

- Từ trên 6 tháng trở lên đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.

Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 2 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 1 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.

Khi xuất ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ, mức chi 50.000 đồng/người; được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.

Được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương cơ sở

Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ.

Chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ

Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học tại các trường đó.

Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ Điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề.

Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ;

Trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp. Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.

Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ;

Trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành; cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.

Hạ sĩ quan, binh sĩ được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được xếp lương theo công việc đảm nhiệm, thời gian phục vụ tại ngũ được tính vào thời gian công tác và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ sở kinh tế đó.

Cộng điểm thi trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ sau khi đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ và khi có lệnh bãi bỏ lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức:

- Ưu tiên sắp xếp việc làm

- Cộng Điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức.

- Được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo trong thời gian tập sự.

Như vậy, khi xuất ngũ, công dân sẽ được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định được trích dẫn ở trên, như: được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ, được nhận lại việc làm tại cơ quan, tổ chức đã làm việc trước đó, được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội,...

Ban Gia đình – Xã hội (tổng hợp)