Tranh chấp quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn?

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 23/1/2025 ]

Câu hỏi:

Em và anh đã tổ chức đám cưới nhưng không đăng kí kết hôn, hiện nay con em mới được 8 tháng. Xin hỏi anh muốn dành quyền nuôi con thì thế nào? em có quyền nuôi con không?

                                                                   Nguyễn Phương Hoa

Trả lời:

Trường hợp bạn hỏi chúng tôi xin tư vấn như sau:

Vì bạn không đăng kí kết hôn nên người cha của đứa trẻ không đương nhiên được công nhận theo pháp luật, anh ta muốn nhận con sẽ phải yêu cầu Tòa án làm thủ tục xác nhận cha con.

Khi có tranh chấp về quyền nuôi con dù không có đăng kí kết hôn Tòa án vẫn thụ lý và giải quyết như sau:

Về nguyên tắc, việc ai là người nuôi con có thể được các bên đương sự tự thỏa thuận với nhau và được tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi phân chia quyền nuôi con thì một bên vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tùy theo điều kiện kinh tế hoặc theo thỏa thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.

Tuy nhiên, nếu hai người không thể thỏa thuận được với nhau thì toà án sẽ có quyền phán xét, giao quyền nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng. Quyết định của tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và hướng tới tương lai tốt đẹp của con. Các quyền lợi đó có thể là: điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng …

Theo pháp luật hôn nhân hiện hành với qui định nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì toà án sẽ hỏi ý kiến, nguyện vọng của con. Riêng trường hợp, nếu con dưới 3 tuổi thì, về nguyên tắc, tòa sẽ giao cho người mẹ nuôi dưỡng – ngoại trừ trường hợp người mẹ không muốn nuôi con.

Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam qui định trong tất cả các trường hợp, người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền thăm nom con, có thể theo định kỳ hoặc thường xuyên theo thoả thuận của hai bên và không ai được cản trở quyền này. Nếu người không nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người đang trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu toà án hạn chế quyền thăm nom con của người kia.

Như vậy trong trường hợp của bạn vì con bạn mới có 8 tháng do đó về nguyên tắc quyền nuôi con sẽ thuộc về bạn.

Luật gia tư vấn