Chuyển đổi số - thời cơ và thách thức

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 23/1/2025 ]

Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chuyển đổi số bao gồm: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hoá hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân

Chia sẽ toạ đàm.jpg (741 KB)

Xác định ứng dụng chuyển đổi số là yêu cầu cần thiết hiện nay trong công tác, tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, TW Hội LHPN Việt Nam đã xác định khâu đột phá “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”; đây là khâu đột phá quan trọng nhằm giúp hội viên, phụ nữ và tổ chức hội tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số, tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Khánh Hoà lần thứ XIII cũng đã đề ra 02 khâu đột phá, trong đó có khâu đột phá “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các cấp thành lập và duy trì các trang mạng Facebook, Zalo kết nối với cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền kịp thời các chỉ đạo từ cấp trên. Qua đó, duy trì 1.125 nhóm Zalo trong hệ thống Hội với gần 20.000 thành viên tham gia, qua đó giúp hội viên, phụ nữ được tiếp cận thông tin kịp thời, nắm tình hình hoạt động và các phong trào Hội. Các trang Thông tin điện tử, fanpage, nhóm Zalo của Hội LHPN tỉnh thường xuyên được cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin giúp hội viên nắm và thực hiện. 100% Hội LHPN cấp cơ sở đều được trang bị máy tính kết nối mạng để phục vụ công việc. 100% cán bộ Hội chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở chủ động tiếp cận những tiến bộ của công nghệ, kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy tính và điện thoại thông minh giúp hoạt động Hội ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thi liên quan đến chuyển đổi số và hoạt động khởi nghiệp. Trong đó, chú trọng việc chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ tìm hiểu về thương mại điện tử, cách tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ vào tiêu thụ sản phẩm, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ 4.0 để quảng bá, phát triển các sản phẩm, cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường… Hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa đã dần tiếp cận với công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong kết nối, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng miền đến người dân trong nước. Ngoài ra, cán bộ Hội cơ sở ứng dụng hiệu quả các phần mềm như slide trình chiếu, phóng sự, clip hình ảnh trực quan minh họa…tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền, chia sẻ mô hình hay, cách làm sáng tạo đến hội viên phụ nữ, tạo lan tỏa của việc ứng dụng công tác chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trò phụ nữ.

Đồng thời, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, người dân ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào cuộc sống, đóng tiền điện nước qua các điểm thu tại xã, làm hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến khi mua hàng...; tuyên truyền người dân tích cực cài đặt VneID và cài đặt các phần mềm sổ sức khỏe điện tử; hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng PC-Covid cũng như tạo mã QR để tiện lợi khi khai báo y tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19… Chi hội trưởng phụ nữ có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo vào công việc giúp triển khai các nhiệm vụ, phong trào hoạt động Hội ngày càng hiệu quả. Nhờ biết sử dụng điện thoại thông minh nên các chị em đã lên Youtube xem và tải các điệu nhảy dân vũ về để tổ chức tập luyện; học cách chế biến, trang trí món ăn, cắt may áo dài và các lớp liên quan nâng cao kiến thức, kỹ năng…

Chuyển đổi số - thời cơ và thách thức.jpg (434 KB)

Chia sẻ tại toạ đàm về phụ nữ Khánh Hoà ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi số tại tỉnh cũng gặp khó khăn nhất định, đó là công cuộc chuyển đổi số cho hội viên phụ nữ còn gặp một số khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, cơ hội tiếp cận với internet tốc độ cao của một số hội viên cao tuổi còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin cho chi hội trưởng, hội viên phụ nữ còn khó khăn về kinh phí nên chưa có điều kiện tổ chức, cập nhật thường xuyên. Trong thời gian đến, cán bộ Hội các cấp tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, ham học hỏi, nghiên cứu áp dụng công nghệ số vào công việc và cuộc sống; tăng cường công tác phối hợp ban ngành liên quan, doanh nghiệp tổ chức các lớp bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ Hội các cấp và các chị em là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã... để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm gắn với thương mại điện tử…

 Trước những thời cơ và thách thức mà chuyển đổi số mang lại, để thích ứng với thời đại công nghệ số, kinh tế số, mỗi hội viên phụ nữ cần nỗ lực, vượt qua chính mình, tự trau dồi, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh... giúp nâng cao tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp phụ nữ hội nhập và phát triển.

Ban Gia đình xã hội - Kinh tế