Tết trồng cây và tầm nhìn của Bác Hồ về kinh tế xanh

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Tăng trưởng xanh là chủ đề được các nhà lãnh đạo trên thế giới thường đề cập đến, bởi đây là nội dung mang tính chiến lược trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chiến lược này đã được Việt Nam cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Dịp này, nhớ lại Tết trồng cây mà Bác Hồ đã phát động cách đây hơn nửa thế kỷ càng thấy tầm nhìn xa trông rộng của Người.

bac-ho-trong-cay.jpg (224 KB)

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ luôn quan tâm đến việc trồng cây, gây rừng. Ảnh: Tư liệu

 Trồng cây và trồng người

Ngày 13-9-1958, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Người đã nói câu rất nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Trong câu này, người nhấn mạnh hai thứ rất quan trọng trong đời sống, ấy là trồng cây và trồng người. Trồng cây là vô cùng quan trọng nhưng trồng người lại càng quan trọng hơn. Một bên là tầm nhìn vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây nhưng để nhìn thấy lợi ích trăm năm thì phải trồng người.

Yêu cầu về trồng cây xanh cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân dân ngày 28-11-1959. Bài viết nêu rõ, “để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho “Tết trồng cây”, ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu... Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”.

Chuyện trồng cây Người nói rất cụ thể để mỗi người dân đều nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề và đều có thể thực hiện được. Người cũng chỉ rõ lợi ích của việc trồng cây: “... vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn...”.

Yêu con người, yêu nhân dân, Bác còn nổi tiếng là người yêu thiên nhiên. Những nơi lưu giữ dấu ấn Hồ Chí Minh như khu Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Di tích K9 - Đá Chông ở Ba Vì đều rợp bóng cây xanh. Tại khu K9, đầu hiên nhà làm việc của Bác là 2 khu vườn nhỏ. Một khu chuyên trồng cây ăn quả, khu vườn còn lại trồng quế. Trước nhà có muôn hoa ngát hương khoe sắc, như hoa nhài, hoa ngâu, địa lan... Ngày nay, du khách đến tham quan K9 Đá Chông sẽ được chiêm ngưỡng hòn non bộ và khung cảnh xanh mát của cây cối, tiếng chim hót líu lo, ríu rít vui tai.

Những lúc rảnh rỗi Bác thường tự trồng cây, chăm sóc cây. Không chỉ tự mình trồng, Bác còn dặn dò cán bộ và chiến sĩ với những lời lẽ mộc mạc nhưng vô cùng sâu sắc: Gần như mọi người đều có thể trồng cây, muốn việc trồng cây đạt kết quả tốt thì phải có kế hoạch và có sự chuẩn bị chu đáo, trồng nhiều cây có ý nghĩa to lớn về đời sống và khí hậu, gắn việc trồng cây với việc thực hiện kế hoạch 5 năm, trồng cây phải gắn với chăm sóc cây tốt... Những điều ấy, nay nghe lại thấy thiết thực và rất thời sự.

Mùa xuân Canh Tý 1960, Bác đến Công viên Thống Nhất tham gia cùng nhân dân Thủ đô trồng cây. Cũng trong năm này, Bác viết hai câu thơ nổi tiếng: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Bác khuyên khi mùa xuân tới, mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Năm 1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Người căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp”.

Để định hướng phong trào trồng cây, trong hơn 10 năm, Bác đã có 15 bài viết, bài phát biểu có liên quan đến hoạt động trồng cây, trồng rừng. Và từ năm 1959, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của dân tộc ta trong những ngày xuân, được duy trì cho đến hiện nay.

Hằng năm cứ mỗi dịp Tết đến, Người thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Đến bất kỳ địa phương nào có dịp Bác lại tham gia trồng cây.

Năm 1969, dù sức khỏe đã yếu nhưng sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu, Bác vẫn đến chúc Tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì. Đây là cái cây cuối cùng Bác Hồ trồng trong cuộc đời của Người. Và trong bản Di chúc, liên quan đến “việc riêng”, Người còn căn dặn: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”...

Trồng cây gắn với kinh tế xanh

Trong một thời gian dài, nhiều người quên mất mục tiêu lâu dài của việc trồng cây, theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá nên gây tổn hại đến môi trường. Hiện nhân loại đứng trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn... gây hậu quả nặng nề. Do đó, việc trồng cây là nhiệm vụ cấp bách mang nhiều ý nghĩa với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững đất nước.

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, kinh tế đất nước còn bộn bề khó khăn nhưng Bác Hồ vẫn luôn quan tâm tới việc trồng cây, gây rừng, làm đẹp cảnh quan, tạo điều kiện sống trong lành, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tư tưởng, tác phong về trồng cây gắn với kinh tế xanh của Người là di sản vô giá của dân tộc.

Học tập Bác Hồ, trong việc trồng cây xanh, các cơ quan chức năng trong cả nước mỗi năm đều có kế hoạch cụ thể, khoa học, như trồng cây ở khu vực nào, trồng loại cây gì cho phù hợp, số lượng cụ thể bao nhiêu để cây phát triển tốt, ai sẽ chăm sóc, gìn giữ... Việc động viên các cơ quan và người dân trồng cây xanh hướng đến sự thực chất, như trồng cây phải bảo đảm cây phát triển tốt, tránh làm theo phong trào, hình thức, tránh trồng cây với thái độ đối phó... Cùng với việc trồng cây, chăm sóc cây, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hành vi phá hoại cây xanh, nhất là cây trồng trên vỉa hè, vốn hay bị một số người phá hoại để lấy chỗ buôn bán.

Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, do đó, phát triển bền vững từ kinh tế xanh cũng được xác định là xu hướng, nhiệm vụ quan trọng. Muốn phát triển kinh tế xanh bền vững thì phải bắt đầu bằng việc trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt di huấn của Bác Hồ về trồng cây, trồng người.

Phan Thế Hải

Nguồn: https://hanoimoi.vn/tet-trong-cay-va-tam-nhin-cua-bac-ho-ve-kinh-te-xanh-658532.html