Hướng tới tạo sinh kế bền vững cho người dân

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]

Để tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa đã điều phối triển khai Dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa”.

Triển khai nhiều hoạt động

Dự án thực hiện từ tháng 8-2023 đến quý III/2024, được Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam tài trợ. Theo bà Phan Thị Hòa Bình - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, mục tiêu của dự án là xây dựng và triển khai cơ chế đối thoại công - tư trong bảo vệ môi trường và bảo vệ rạn san hô phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun; giảm thiểu rác thải nhựa và suy thoái rạn san hô; tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). 

Hướng tái tạo sinh kế 1.jpg (713 KB)

Tập huấn về bảo tồn rạn san hô gắn với du lịch sinh thái biển, đảo ở cộng đồng tại Tổ dân phố Bích Đầm. 

Thời gian qua, hội đã tổ chức các buổi đối thoại về phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa và xã hội phục vụ phát triển sinh kế bền vững; chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học và khả năng áp dụng cho bảo tồn và phát triển bền vững Bích Đầm, Hòn Mun và vịnh Nha Trang; đối thoại đầu bờ “Thúc đẩy cộng đồng quản lý vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam”… Đến nay, đã có gần 1.300 lượt người từ 30 đến 55 tuổi tham gia các hoạt động của dự án. Mới đây nhất, Hội LHPN tỉnh phối hợp với UBND TP. Nha Trang tổ chức buổi đối thoại về “Kết nối và bảo tồn các nguồn lực để phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng Tổ dân phố Bích Đầm, góp phần phát triển bền vững phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun và vịnh Nha Trang”. Tại buổi đối thoại, người dân nêu nguyện vọng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng ở khu vực Bích Đầm để tạo sinh kế bền vững.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hội còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về chung tay giám sát và bảo tồn rạn san hô, phòng, chống rác thải nhựa; khảo sát đánh giá nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững. Hội cũng thực hiện các báo cáo liên quan đến khu vực biển Hòn Mun trong việc xác định khu vực can thiệp chính để tập trung giải quyết các vấn đề; kết quả nghiên cứu khoa học về hiện trạng rạn san hô ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun và đề xuất giải pháp phục hồi san hô; tổ chức tham gia học tập thực tế mô hình đồng quản lý trong bảo vệ, bảo tồn rạn san hô, các hệ sinh thái và du lịch cộng đồng tại Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên)…

Phát triển du lịch cộng đồng để tạo sinh kế bền vững

Theo bà Bình, thông qua các hoạt động của dự án, cộng đồng người dân ở Bích Đầm và một số địa phương lân cận đã nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô và mong muốn có sinh kế bền vững để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun nói riêng, vịnh Nha Trang nói chung. Trong quý II/2024, hội sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo về khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và rạn san hô; lấy ý kiến của người dân Tổ dân phố Bích Đầm về kết quả đánh giá, phân loại năng lực và nguồn sinh kế của cộng đồng cư dân ở đảo Bích Đầm; hội thảo giữa các bên liên quan để xem xét khả năng và giải pháp chuyển đổi nghề cho người dân Bích Đầm…

Hướng tái tạo sinh kế 2.jpg (698 KB)

Bích Đầm có nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP/GEF SGP) cho biết, tiến độ của dự án thực hiện khá nhanh. Qua buổi đối thoại mới đây tại Bích Đầm, người dân có những đề xuất liên quan đến việc phát triển sinh kế gắn với việc bảo tồn san hô. Đó là phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. 

Hòa Trang

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202404/huong-toi-tao-sinh-ke-ben-vung-cho-nguoi-dan-a4f1abe/