Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Đặc xá 2018

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 23/12/2024 ]

Luật Đặc xá số 30/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Luật gồm 06 Chương, 40 điều (tăng 04 điều so với Luật Đặc xá số 07/2007/QH12).

 

1. Về phạm vi điều chỉnh

Luật quy định “về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá” (Điều 1).

2. Một số nội dung cơ bản

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Quyết định về đặc xá là văn bản do Chủ tịch nước ban hành quy định thời điểm đặc xá, đối tượng, điều kiện của người được đề nghị đặc xá và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá. Quyết định đặc xá là văn bản của Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân (Khoản 1 Điều 3).

Chính sách của Nhà nước trong đặc xá: Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật (điều 6).

16 tội không được đề nghị đặc xá theo Luật Đặc xá 2018:

Khoản 2 điều 12 Luật Đặc xá 2018 quy định cụ thể người bị kết án phạt tù về 16 tội sau không được đề nghị đặc xá dù có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Luật này. Cụ thể: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội khủng bố; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; Tội làm lính đánh thuê.

Một số trường hợp vẫn được đề nghị đặc xá dù chưa bồi thường thiệt hại xong: Không bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá; Đã thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (điểm d, đ, Khoản 1, Điều 11).

3. Một số quy định liên quan đến quyền của phụ nữ

Người đang chấp hành án phạt có quyền làm đơn đề nghị đặc xá(Khoản 1, Điều 15): Theo đó, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc xá được niêm yết, phổ biến và trước khi giám thị trại giam lập danh sách người đủ điều kiện để báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp gửi Tổ thẩm định liên ngành thì người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn (căn cứ Điều 11, Điều 12 Luật Đặc xá 2018) được làm đơn đề nghị đặc xá. 

Phụ nữ mang thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định khi đáp ứng đủ một số điều kiện theo quy định tại điều 11 trong Luật (điểm g, Khoản 2, Điều 11).

4. Những quy định liên quan đến trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm “Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật đặc xá, Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ người được đặc xá trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng, phòng ngừa tái phạm, tạo điều kiện về việc làm, ổn định cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội; Giám sát thực hiện công tác đặc xá và pháp luật về đặc xá theo quy định của pháp luật.” (Điều 34)./.

Theo Ban CSLP,TW Hội LHPN Việt Nam